xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không thủy điện nào cắt được hết lũ

Phạm Dương ghi

Trao đổi với báo chí ngày 9-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói như vậy và cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường khẩn trương ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện để tránh “trên xả mà dưới không biết”

. Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, có ý kiến cho rằng thủy điện đã góp phần làm cho hậu quả trong các trận bão lũ số 9 và 11 vừa qua thêm nặng nề?


img
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Hồ có khả năng tích nước để chống lũ nhưng nếu như quá khả năng đó thì buộc phải xả, vì nếu không sẽ gây vỡ đập còn nguy hiểm hơn nhiều. Qua rà soát thấy các hồ thủy điện đã phát huy được khả năng chống lũ. Vừa rồi, các hồ xả ầm ầm là do lũ lịch sử. Các trạm quan trắc đều xây cao hơn đỉnh lũ lịch sử nhưng lũ vừa qua đều trên lũ lịch sử. Nhiều trạm ở Kon Tum, Gia Lai đã bị lũ cuốn trôi. 


. Thiên tai khó tránh nhưng như người dân nói trước đây không có thủy điện thì ít có lũ lớn và có ý kiến cho rằng việc quy hoạch các nhà máy thủy điện, cũng như sự phối hợp giữa các nhà máy không tốt, đã dẫn tới việc điều tiết nước không hợp lý?


- Lũ lớn vừa qua rất bất thường, không phụ thuộc vào nhà máy thủy điện. Ba huyện của tỉnh Phú Yên thiệt hại nặng nhất là Sông Cầu, Đồng Xuân và Tuy An ở phía Bắc làm gì có nhà máy thủy điện. Nhà máy Thủy điện Sông Ba ở phía Nam của TP Tuy Hòa xả nước ầm ầm có làm chết ai đâu. Ở phía chết tới 73 người thì không liên quan gì đến thủy điện.


Nhưng nếu bảo thủy điện chưa cắt được hết lũ, điều đó đúng. Vì không một nhà máy thủy điện nào có thể cắt hết lũ. Một hồ nhỏ dưới 1 tỉ m3, nếu không làm nhà máy thủy điện thì chỉ chứa được dưới 1 tỉ m3 nước, số còn lại phải chảy xuống hạ du chứ làm sao giữ hơn được. Lúc mưa lớn, lũ lớn thì bức xúc nói vậy. Ai chẳng mong không bị ngập nhưng hiện tượng thiên nhiên thì mình phải đánh giá đúng.


. Phó Thủ tướng nhìn nhận ra sao về quy hoạch thủy điện miền Trung mà có nơi như  dòng sông Ba có tới 9 nhà máy thủy điện?


- Không một nhà máy thủy điện nào xây dựng mà không có quy hoạch, có quy hoạch cấp Trung ương và địa phương. Các dự án thủy điện đều phải được xây dựng và phải cấp bộ quản lý. Tất cả hồ thủy điện bậc thang đều được quy hoạch bậc thang và phải được lãnh đạo địa phương duyệt.

Quy hoạch bậc thang thủy điện trên mỗi dòng sông thì các sở Tài nguyên – Môi trường, NN-PTNT, Công Thương phải ngồi lại để tính. Phải tính được bao nhiêu nước để vẫn bảo đảm sinh hoạt, bảo đảm môi trường cho hạ du thì mới được duyệt  xây hồ. Còn về rừng, luật đã quy định chiếm bao nhiêu diện tích thì phải xin Quốc hội, bao nhiêu thì phải xin Thủ tướng.

img
Thi công đập chính công trình thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PH.TRỊNH


. Thực tế cơn lũ  vừa qua có nhà máy thủy điện hạ lưu kêu bất ngờ về sự xả lũ của nhà máy phía trên cùng một dòng sông?


 
- Có sự phân cấp quản lý vận hành các hồ thủy điện. Ví dụ hồ Hòa Bình thuộc Trung ương, khi chuyển sang chế độ chống lũ thì đích thân Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương điều hành. Trước mùa lũ phải dành dung tích chống lũ, khi lũ về thì mới chứa, chứa đầy rồi mới được xả.

Đúng quy trình, bất cứ hồ nào cũng vậy. Đừng nói thà không có thủy điện còn hơn, bởi không có thủy điện thì lấy đâu nước dùng. Sau bão lũ là hạn hán, các hồ phải tích nước để phục vụ sản xuất. Không làm hồ thủy điện thì các địa phương vẫn xin tiền làm hồ chứa. Bất cập hiện nay chính là vấn đề liên hồ chứa, liên lưu vực. Vấn đề vận hành liên hồ chứa đang làm, nhưng đấy không phải là nguyên nhân gây chết chóc trong hai cơn bão vừa qua.


. Việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa được Chính phủ giao cho ai và khi nào sẽ có, thưa Phó Thủ tướng?


- Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên – Môi trường làm cả năm nay rồi. Sau hai cơn bão vừa qua, Chính phủ đã giục bộ này làm nhanh hơn. Quy trình liên hồ chứa phải vì lợi ích tối đa của hạ du.


. Trực tiếp vào miền Trung chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 11, theo Phó Thủ tướng có thể rút ra những bài học lớn nào sau hai cơn bão số 9 và 11?


- Dự báo của chúng ta không thể chính xác 100%. Lý do là phương tiện, công cụ dự báo còn phải đầu tư nhiều và biến đổi khí hậu làm cho chúng ta không thể dự báo chính xác. Chính khu vực ta hay tính đến nhất là người trên biển, với trên 500 tàu thuyền thì có đến nửa triệu người dân trên biển; bão đã từng làm vài ba trăm người thiệt mạng như các cơn bão Chanchu, Linda.

Trên bộ, những nơi chúng ta lo lắng bị sụt lở đất, ngập nước thì đều đã sơ tán dân trước. Nhưng chính những nơi không tính đến, vì thường rất ổn định, lại bị nặng nhất. Điều đó thể hiện sự bất thường mà mình không lường được.

Ví dụ ở La Hay (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) là thị trấn miền núi nằm trên thế đất rất cao, dốc, thông thường không ngập, mưa thì nước ào xuống hạ du, vậy mà trong bão số 11 có nhà dân ngập sâu 6 m. Người dân bàng hoàng vì chưa bao giờ bị ngập như vậy. Bất thường làm cho mình thiệt hại lớn.


. Thưa Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ làm gì để hạn chế thấp nhất tổn thất do thiên tai trong tương lai?


- Trước hết, phải nâng cao nhận thức của người dân. VN là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Người dân phải luôn cảnh giác, bão lũ không còn theo quy luật mà luôn luôn có bất thường. Thứ hai là công tác quan trắc dự báo, ngoài việc tăng cường đầu tư còn phải tăng cường hợp tác với các nước.

Thứ ba, biến đổi khí hậu làm cực đoan hóa các hiện tượng thời tiết, nóng, hạn, lũ. Để đối phó với những vấn đề này, Chính phủ đã đưa các kịch bản, chương trình hành động xuống cho các tỉnh, các bộ; trên cơ sở đó để các tỉnh, các bộ xây dựng chương trình hành động của mình.

Thu hồi 7 dự án thủy điện “treo”

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa quyết định thu hồi 7 dự án thủy điện “treo” trên địa bàn, bao gồm: Đak En 2, Dak Krong Dou, Đa Nhim Thượng 1 (tại huyện Lạc Dương), Đại Bình (thị xã Bảo Lộc), Đasou (huyện Bảo Lâm), Cam Ly - Tà Nung (TP Đà Lạt), Đak Lom Bé (huyện Di Linh).

Theo báo cáo của đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện các dự án thủy điện do UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập, hiện tỉnh có 39 dự án thủy điện, trong đó 15 dự án vừa và nhỏ đã được cấp phép xây dựng.

Qua kiểm tra, 60% dự án đều chậm triển khai hoặc nhà đầu tư không có năng lực tài chính, vướng giải phóng mặt bằng và đền bù giải tỏa, nhiều chủ đầu tư khi đăng ký dự án không nghiên cứu tính khả thi nên gặp địa hình phức tạp phải “treo” dự án lại.


Dự kiến thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kiểm tra để thu hồi một số dự án đã được phê duyệt từ năm 2003 nhưng chủ đầu tư không thực hiện hoặc chủ yếu lập dự án để “xí” đất.

K.Cương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo