Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phạm Hồng Giang cho biết đến nay vẫn chưa thấy có quy trình các hồ thủy điện miền Trung, Tây Nguyên. Theo ông Giang, để có quy trình phải có tính toán về sản xuất điện, phương án chống lũ, an toàn hạ du, dự báo mưa... Các thủy điện nhỏ thì không nghiêm trọng, nhưng các hồ lớn mà không có quy trình nghiêm túc thì rất đáng nguy.
Một khu vực ở Phú Yên chìm trong lũ. Ảnh: Q.Khương
Thiếu sự giám sát
Ông Giang cho biết các hồ lớn trên lưu vực sông Hồng có quy trình rất đầy đủ, cụ thể như quy trình trước lũ, trong lũ và sau lũ. Trước lúc mức hồ là bao nhiêu, trong lũ xả mức độ như thế nào và sau lũ tích nước ra sao. Đến khi xả lũ phải thông báo với địa phương.
Ở hồ thủy điện Hòa Bình, trước mùa lũ phải giữ mực nước thấp từ 92-97 m so với cao trình của hồ là 117 m, dung tích dư ra là dung tích chống lũ. Khi nhận được thông báo mưa bão của cơ quan khí tượng thủy văn thì phải làm theo quy trình xả lũ đã vạch ra. “Ở miền Trung chắc không làm đúng việc này” – ông Giang bày tỏ.
Trước lo ngại về việc thiếu sự giám sát đối với các thủy điện, ông Giang bức xúc nói: “Khi tôi còn làm việc ở Bộ NN-PTNT, các hồ lớn có hỏi ý kiến các bộ liên quan và Bộ NN-PTNT có góp ý về diện tích cắt lũ. Tuy nhiên, góp ý này có được thực hiện không thì chúng tôi không biết. Bên cạnh đó, họ có tuân thủ các quy trình hay không cũng không rõ”.
Cũng theo vị nguyên thứ trưởng này, với trên 400 thủy điện lớn nhỏ ở miền Trung, đối với các thủy điện nhỏ thì không đáng kể nhưng các hồ lớn khi thiết kế, vận hành mà đặt lợi ích sản xuất điện lên trên thì chắc chắn sẽ gây hại.
Phải xác định rõ lợi và hại
Theo GS-TS Hà Văn Khối (giảng viên Trường Đại học Thủy lợi), để các hồ thủy điện làm đúng nhiệm vụ chống lũ thì phải có một đầu mối thống nhất việc quản lý vận hành vào mùa lũ. Ví dụ như các hồ chứa Thác Bà, Hòa Bình, Tuyên Quang và sau này là Sơn La đổ vào sông Hồng, thì vào mùa lũ (từ ngày 1-6 đến hết tháng 9), Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (Ban Chỉ đạo) sẽ vận hành xả lũ. Ở miền Trung, chưa thấy có cơ quan nào chịu trách nhiệm này, như vậy là chưa có quy trình liên hồ.
Ông Khối kiến nghị: “Cần làm sớm quy trình liên hồ, để khi gặp sự cố thì có phân công và làm rõ trách nhiệm. Đến mùa lũ các hồ phải có phương án phòng chống, với sự chỉ huy của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh để ra quyết định đóng, mở cửa xả”.
Ông Khối cũng cho biết đối với các hồ nhỏ thì không có nhiệm vụ chống lũ nhưng các hồ lớn thì khi thiết kế xây dựng phải có nhiệm vụ chống lũ, phải có dung tích cắt lũ. “Tuy nhiên, theo tôi biết ở miền Trung đa phần các hồ thủy điện không tham gia cắt lũ. Theo tôi, cần có một tổng kết, đánh giá lại toàn bộ hệ thống hồ thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên để xác định rõ lợi và hại” – ông Khối kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Lập đoàn giám sát thủy điện miền Trung
T.Dũng
Trước hết, đoàn đại biểu QH tỉnh phải điều tra
P.Dương |
Bình luận (0)