* Phóng viên: Những ngày qua, dư luận đặt vấn đề chính việc xả lũ liên tục với lưu lượng lớn của hồ Thủy điện Sông Ba Hạ khiến vùng hạ du tỉnh Phú Yên gồm TP Tuy Hòa và các huyện phía Nam của tỉnh bị ngập lụt nặng. Ông nhìn nhận thông tin này thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Bá Lộc: Hiện nay, trên bậc thang sông Ba được xây dựng khá nhiều thủy điện, tất cả đều tích nước hồ trên lòng sông. Tuy nhiên, nếu mực nước hồ chứa vượt quá quy định cho phép thì buộc phải xả lũ vì nếu không tai họa sẽ rất lớn.
Song, điều bất cập là hiện nay nước ta chưa xây dựng được quy chế về điều tiết xả lũ liên hồ thủy điện, dẫn đến tình trạng “chủ” mỗi hồ tự tích nước nhằm thủ lượng nước bảo đảm cho việc phát điện, đến khi nước trong hồ vượt mức báo động thì mạnh ai nấy xả, xả đồng loạt, khiến vùng hạ du lãnh đủ.
Cơn lũ vừa qua, vì nằm ở cuối nguồn nên hồ thủy điện Sông Ba Hạ trên địa bàn tỉnh Phú Yên phải hứng chịu lượng nước xả lũ lớn của các hồ thủy điện khác phía trên. Điều tất yếu là Thủy điện Sông Ba Hạ phải xả lũ với lưu lượng lớn.
Tỉnh Phú Yên dù thực hiện đúng quy chế, quy trình xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ, song việc TP Tuy Hòa và các huyện phía Nam của tỉnh bị ngập lụt là không thể tránh khỏi. Qua đợt lũ lụt vừa rồi, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng quy chế xả lũ liên hồ thủy điện, thành lập ban chỉ đạo liên tỉnh, liên hồ.
Một điều đáng quan tâm nữa là công tác dự báo về lượng mưa của chúng ta chưa tốt. Các trạm quan trắc thủy văn của chúng ta phân bố thưa thớt nên dự báo thiếu chính xác.
Trong đợt lũ vừa qua, lượng mưa ở thượng nguồn lên đến 601 mm, trong khi các trạm quan trắc đặt trên địa bàn Phú Yên chỉ dự báo lượng mưa khoảng 100 mm-150 mm. Tất cả đều “mù” về lượng mưa. Giá như chúng ta dự báo được lượng mưa chính xác và sớm chừng một ngày thì các hồ thủy điện trên sông Ba đâu tích nước nhiều làm gì để rồi sau đó xả ồ ạt, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng như vậy.
* Nhiều người dân vùng lũ cho rằng việc phá rừng đã làm cho lũ lụt gây thiệt hại khủng khiếp hơn. Ông nghĩ sao?
- Phản ánh của người dân là đúng! Mình cứ hình dung khi đổ một xô nước lên mái tôn so với khi đổ lên mái rạ thì dòng nước nào chảy mạnh, chảy nhanh hơn, thì đợt lũ vừa rồi cũng tương tự vậy. Rừng bị phá góp phần khiến lũ lụt nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn.
* Tỉnh Phú Yên đã rút ra những kinh nghiệm phòng tránh bão lũ thế nào sau những thiệt hại vừa qua?
- Thứ nhất, phải xây dựng nhiều trạm quan trắc thủy văn ở những điểm xung yếu trên toàn địa bàn với mật độ dày hơn, không chỉ ở Phú Yên mà cả ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, cả ở nước ngoài nơi có lưu vực ảnh hưởng đến nước ta. Một khi làm tốt công tác dự báo thì công tác phòng tránh thiên tai mới chủ động và hiệu quả.
Thứ hai, Trung ương phải nghiên cứu cho các tỉnh miền Trung thêm tàu thuyền cứu hộ cứu nạn, trong đó có tàu công suất lớn để cứu hộ trên biển. Chúng ta thành lập nhiều đội thanh niên xung kích tình nguyện phòng chống bão lụt nhưng không có phương tiện thì cũng “bó tay”.
Bình luận (0)