Chính phủ vừa quyết định bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy và các phương tiện tương tự từ ngày 5-6. Đây là nội dung tại Nghị định 28/2016 sửa đổi một số điều của Nghị định 56/2014 và Nghị định 18/2012 về Quỹ Bảo trì đường bộ.
Khó thu, hiệu quả thấp
Khẳng định việc thu phí đường bộ đối với xe máy đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Phí - Lệ phí song Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng quá trình triển khai, cách thức thực hiện gặp nhiều bất cập, hạn chế.
Cụ thể, việc thu phí phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân trong khi công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế. Việc triển khai công tác thu phí tại địa phương chưa thực sự tích cực, đồng bộ, thống nhất; chưa có giải pháp triệt để khắc phục tình trạng không nộp phí. Chế tài xử phạt các trường hợp không kê khai, nộp phí chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực phí, lệ phí do các cơ quan thuế, thanh tra chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện, không phải do cơ quan công an.
Một số tỉnh, thành phố chậm thực hiện hoặc dừng thu phí dẫn đến sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội. Vì vậy, việc thu phí sử dụng đường bộ với xe máy đạt hiệu quả thấp, gặp rất nhiều khó khăn.
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, việc thu phí đường bộ đối với xe máy được bắt đầu từ cuối năm 2013 và chỉ kéo dài đến cuối năm 2015 thì tạm dừng vì rất khó khăn. Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết do có nhiều bất cập trong thu phí đường bộ đối với xe máy nên HĐND tỉnh đã ra nghị quyết mức phí là 0 đồng, đồng nghĩa với việc Khánh Hòa không thu phí này từ tháng 7-2015.
Trước đó, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy tại tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, phải huy động một lực lượng lớn người đi thu nhưng kết quả không cao, số thu giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2013 thu được trên 9,7 tỉ đồng; năm 2014 giảm còn khoảng 5,4 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2015 chỉ được hơn 650 triệu đồng.
“Các địa phương đã kiến nghị bỏ loại phí này vì cho rằng thu phí đường bộ có những bất cập do người đóng, người không đóng, chưa tạo ra sự công bằng. Dù phát hiện người dân đi xe máy không đóng phí thì cán bộ xã, phường cũng không làm gì được vì không có chế tài xử phạt” - ông Định nói.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên, theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, việc thu phí đường bộ đối với xe máy còn thấp hơn. Năm 2014 chỉ thu được trên 1,5 tỉ đồng, sang năm 2015 còn chưa đến 1 tỉ đồng.
Ông Ngô Bá Lánh, Giám đốc Sở Tài chính Phú Yên, cho biết năm 2014, HĐND tỉnh ra nghị quyết về việc giao cho xã, phường thu phí đường bộ đối với xe máy. Đến đầu năm 2016, trước nhiều ý kiến phản đối việc thu phí này ở các tỉnh, thành khác, Sở Tài chính Phú Yên đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho tạm dừng. Từ đó, tỉnh cũng tạm dừng thu. “Giờ đã có quyết định chính thức bỏ thu phí đường bộ đối với xe máy thì tôi cũng sẽ có văn bản đề nghị hủy bỏ nghị quyết của HĐND tỉnh Phú Yên về việc thu phí này” - ông Lánh khẳng định.
Ở các tỉnh, thành miền Trung, nhiều nơi đã tạm ngưng thu phí đường bộ đối với xe máy. Ông Lê Nhân, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định ngưng thu phí này từ ngày 1-1.
“Quảng Ngãi triển khai thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-1-2013 và đạt hiệu quả rất thấp. Năm 2015 chỉ thu khoảng 1,5 tỉ đồng, đạt 4% kế hoạch. Một số địa phương không triển khai được việc thu phí đường bộ như huyện Lý Sơn và một số huyện miền núi khác. Do đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy từ năm 2016” - ông Nhân cho hay.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh cũng đã bỏ thu phí đường bộ đối với xe máy từ đầu năm 2016 vì nhiều nơi có ý kiến và tỉnh nhận thấy việc này không hợp lý. Ông Quang cho biết không nắm rõ số tiền thu được trong năm 2015 là bao nhiêu nhưng số tiền này đã được bố trí để duy tu, sửa chữa các tuyến đường.
Còn đâu mà trả lại!
Theo ông Nguyễn Công Định, toàn bộ kinh phí thu được khoảng 15,7 tỉ đồng đã được cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa phân cho các địa phương phục vụ bảo trì các tuyến đường cấp huyện, xã; một phần thì bổ sung cho đường tỉnh. Vì thế, không thể trả lại cho những người đã nộp.
Với tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Nhân cho biết những khoản phí đã thu trước đó, Sở GTVT đã nạp vào ngân sách nhà nước, phục vụ duy tu, sửa chữa đường sá… nên không thể hoàn trả cho người dân.
Tại Phú Yên, ông Nguyễn Thành Trí khẳng định nguồn thu này ở huyện, thị nào thì đều để lại 100% cho huyện, thị đó để tu sửa, xây dựng đường giao thông nông thôn. “Đã xây dựng hết rồi thì có đâu mà trả lại cho người đã nộp? Hơn nữa, thời điểm chính thức dừng thu phí theo quy định của Chính phủ là từ đầu tháng 6-2016. Mình phải tính ở thời điểm dừng thu, làm sao mà trả lại?” - ông Trí bày tỏ.
Trước thông tin không trả lại phí đường bộ cho những người đã nộp trong 2 năm 2014 và 2015, nhiều người dân cho rằng như thế là không công bằng. “Tôi là giáo viên, 2 vợ chồng có 2 xe máy. Khi phường yêu cầu nộp phí là tôi nộp ngay. Năm 2014, tôi nộp 200.000 đồng, năm 2015 cũng vậy. Mình thực hiện nghiêm túc bỗng dưng mất tiền. Trong khi đó, nhiều người ù lì không chịu nộp thì chẳng mất gì cả, thế thì sao được?” - bà Lê Thị Đào (ngụ phường 2, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nói.
Ông Võ Ngọc Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, cho rằng việc để xảy ra sự không công bằng là trách nhiệm của UBND các xã, phường vì trước đây đã không thu đầy đủ. “Theo tôi, để công bằng, UBND các xã, phường phải có trách nhiệm truy thu phí này từ các năm 2014, 2015 đối với những người chưa nộp. Toàn bộ nguồn thu này sẽ để lại ở xã, phường để tái đầu tư xây dựng, tu sửa đường giao thông” - ông Kha nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo nhiều xã, phường ở Phú Yên, đề xuất của lãnh đạo Sở GTVT là điều rất khó thực hiện. “Trước đây thu đã khó rồi, giờ Chính phủ đã có quyết định bỏ thì làm sao truy thu? Đó là điều không thể” - ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên - nhìn nhận.
Địa phương tự thu, tự chi
Chiều 22-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, cho biết toàn bộ phí sử dụng đường bộ xe máy trong các năm 2013, 2014 và nửa đầu năm 2015 không thu về quỹ này mà do các địa phương tự thu và tự chi.
“Toàn bộ số tiền đã thu được trong thời gian qua, các tỉnh, thành nộp vào ngân sách địa phương để cùng ngân sách địa phương bảo trì đường bộ phục vụ nhân dân. Vì vậy, sẽ không có chuyện hoàn trả số tiền đã thu của người dân thời gian qua” - ông Minh khẳng định.
Bình luận (0)