Ngày 31-7 tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến Phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong (MBI) đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 với chủ đề Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5. Diễn đàn gồm 4 phiên thảo luận về các chủ đề: Hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5, kinh tế số, du lịch và nông nghiệp.
Đóng góp 60% GDP
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ luôn nhất quán mục tiêu đã đề ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Những điều này phù hợp với nguyên tắc của các tổ chức thương mại thế giới, các hiệp định song phương. Hiện nay, các DN Việt Nam chủ yếu phục vụ các DN lớn khác dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp. Theo Thủ tướng, DN cần phải mạnh dạn hơn, tránh tự ti về kinh nghiệm, quy mô trong việc hợp tác với các công ty toàn cầu.
Ghi nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh với mỗi đơn vị bổ sung, DN tư nhân tạo ra doanh thu nhiều hơn gấp 3 lần DN nhà nước, cho thấy chìa khóa tăng trưởng kinh tế nằm ở khu vực kinh tế này. Thủ tướng nêu lại nguyên tắc: DN được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Cái gì tư nhân làm tốt hãy để tư nhân làm, đó là con đường đúng đắn trong công cuộc tái cơ cấu kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân có đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Trong ảnh: Sản xuất bao bì nhựa cao cấp xuất khẩu tại Công ty Minh Phát - TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
"Đại văn hào Mark Twain từng nói, 20 năm sau bạn sẽ hối hận vì những gì bạn không làm hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên, hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Kinh tế tư nhân Việt Nam hãy ra khơi bình an" - Thủ tướng động viên. Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng DN tư nhân Việt Nam phát triển nhanh và mạnh, phấn đấu đóng góp 60% vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Thay mặt cộng đồng doanh nhân, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Cố vấn VPSF, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - cam kết nếu môi trường kinh doanh được cải thiện, chi phí hoạt động giảm, kinh tế tư nhân sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 15%-50% và đóng góp 50% GDP. Thủ tướng khích lệ: "Anh Trương Gia Bình chỉ nói tư nhân đóng góp 50% thôi nhưng tôi thêm 10% nữa. DN nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới".
Cam kết giảm lãi suất, chi phí
Trong phiên thảo luận về chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình, bày tỏ DN tư nhân sinh ra chỉ có cống hiến và khát vọng kinh doanh. Ông từng khởi nghiệp từ 300.000 đồng nhưng đến nay đã có tổng tài sản 3 tỉ USD.
"Nhiều nghiên cứu cho thấy chi phí cho một DN Việt Nam đi làm ăn lên tới 34,5% tổng chi phí của DN. Chi phí xuất khẩu hàng hóa của ta cũng lên tới 23% trong khi con số này theo nghiên cứu của World Bank (WB) chỉ là 10%. Chính phủ phải có biện pháp căn cơ, cải thiện môi trường kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển" - ông Tiền đề xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hiện nay, hơn 53.000 dự án đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang hoạt động thành công. Đi liền với đó là 110.000 DN ra đời trong năm 2016 và hơn 75.000 DN mới thành lập trong 6 tháng đầu năm 2017 - chứng tỏ môi trường đầu tư Việt Nam được cải thiện rõ nét. WB cũng vừa đánh giá Việt Nam tăng 9 bậc trong môi trường đầu tư năm 2016. Tuy vậy, Chính phủ cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, như chi phí không chính thức, bến bãi, lãi vay ngân hàng, đặc biệt là chi phí giao thông vận tải.
"Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc giảm chi phí để hiệu quả đầu tư DN tốt hơn. Lãi suất ngân hàng đã giảm tối thiểu 0,5%/năm. Còn các chi phí khác như BHYT, BOT tiếp tục rà soát giảm tốt hơn nữa trong thời gian tới, tạo điều kiện để DN thành công nhiều hơn" - Thủ tướng cam kết.
Đảo chiều dòng tiền thu hút đầu tư
Tại cuộc đối thoại, ông Don Lam, Chủ tịch VinaCapital, nêu vấn đề nóng: Công bố gần đây cho thấy người Việt chi hơn 3 tỉ USD mua bất động sản ở Mỹ và chuyển 13-14 tỉ USD ra nước ngoài. Theo ông, phải chăng vì rủi ro kinh doanh ở Việt Nam còn lớn, doanh nhân chưa yên tâm đầu tư? Để giữ dòng vốn này ở lại, kêu gọi thêm được các nhà đầu tư trong nước, chúng ta cần phải làm gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết con số trên chứng tỏ môi trường ở Việt Nam là tự do nhưng cũng còn nhiều vấn đề, trong đó có lãi suất. "Lãi suất USD bằng 0%, ngành ngân hàng cần suy nghĩ vấn đề này để có chính sách thu hút nguồn lực vào Việt Nam. Cần có chiến lược đảo chiều dòng tiền nhằm tăng trưởng nguồn lực đầu tư. Các quỹ đầu tư trực tiếp và gián tiếp như VinaCapital đã rất thành công, lúc đầu chỉ 10 triệu USD nay đã đầu tư tới 3 tỉ USD. Phải làm sao để môi trường kinh doanh tốt hơn nữa để thu hút thêm các quỹ đầu tư vào Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng ghi nhận kiến nghị của DN và cam kết sớm đề xuất Quốc hội sửa đổi một số điểm trong Luật Đất đai hiện hành, trong đó có quy định về hạn điền - một trong những điểm nghẽn của nông nghiệp. Thủ tướng lưu ý trong quá trình chờ sửa quy định này, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động có giải pháp hỗ trợ khác. Ví dụ, gói tín dụng nông nghiệp có hạn mức 100.000 tỉ đồng nhưng mới giải ngân được 20.000-30.000 tỉ đồng chứng tỏ thủ tục còn rất nhiều khó khăn. Ngành ngân hàng cần tiếp thu vấn đề này để sắp tới làm tốt hơn.
Thủ tướng yêu cầu đại diện cơ quan nhà nước trực tiếp có mặt tại diễn đàn lắng nghe, đồng hành và đối thoại định kỳ với DN, giải quyết kịp thời các vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý các vấn đề dài hạn, xem khó khăn của DN là khó khăn của mình.
Tăng niềm tin vào môi trường kinh doanh
Lần đầu tiên tại VPSF nói riêng và tại các cuộc đối thoại nói chung, ban tổ chức đã trực tiếp lấy ý kiến bình chọn của đại biểu về một số vấn đề liên quan đến nội dung được thảo luận. Kết quả:
- Chỉ số niềm tin doanh nhân: 67% DN cho biết doanh thu năm 2017 sẽ tăng lên so với 2016, trong khi tỉ lệ này trong khảo sát của năm ngoái là 60%.
- GDP của Việt Nam năm 2017 ở mức nào: 26% cho rằng GDP đạt trên 6,7%, 38% cho rằng GDP đạt mức tăng trưởng 6,5%-6,7% và 26% cho rằng GDP đạt thấp hơn 6,5%.
- Việt Nam đạt 1 triệu DN vào năm 2020: 52% cho rằng đạt được, 48% cho rằng không.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel:
Chi quảng bá du lịch thấp hơn cả Lào, Campuchia
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020 đón 20 triệu du khách, đạt doanh thu 35 tỉ USD, tạo việc làm cho 2 triệu người. Song, hiện Việt Nam mới chi 2 triệu USD cho quảng bá du lịch, thấp hơn nhiều so với chi phí 105 triệu USD của Thái Lan, thậm chí còn thấp hơn cả Lào, Campuchia. Môi trường du lịch chưa đủ sạch, thân thiện, an toàn; quảng bá du lịch còn hạn chế, chính sách visa chưa cởi mở là 3 điểm nghẽn của du lịch Việt Nam hiện nay.
Nhóm làm việc về du lịch có tất cả 6 kiến nghị trình Chính phủ tại VPSF lần thứ 2. Đó là thành lập quỹ quảng bá du lịch quốc gia; thành lập hội đồng du lịch quốc gia; chính sách visa thông thoáng hơn theo hướng tăng thời hạn cho 12 nước, miễn thêm visa cho 5 nước khác; xây dựng chỉ số xanh sạch đẹp an toàn… Để phát triển du lịch bền vững, cần có đầu tư lâu dài.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC:
Ban hành chính sách cần chú ý chất lượng
Thương mại điện tử năm 2016 đạt 900 triệu USD, dự báo năm 2020 đạt khoảng 5 tỉ USD. Nếu chúng ta không thay đổi và có chính sách thích ứng sẽ bị tụt hậu, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn. Việt Nam cần tìm giải pháp để quyết không bỏ lỡ những lợi ích từ cuộc cách mạng lần thứ 4 đem lại. Chính sách cho kinh tế số chỉ cần tự do và bình đẳng.
Mỗi sáng thức dậy, thấy có thông tin ban hành văn bản mới, tâm trạng của doanh nhân chúng tôi lo nhiều hơn mừng. Vì thuận lợi từ chính sách chỉ là một phần, phần khác thủ tục còn khó khăn. Ban hành luật mới không nên lấy tiêu chí số lượng mà cần chất lượng. Luật đôi khi rất mở nhưng đến nghị định thì hẹp lại và đến thông tư chỉ còn là lỗ kim.
Bình luận (0)