Đến với vườn lan của cựu chiến binh Trần Văn Thà - ngụ ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi - chúng tôi thật sự cảm phục tấm gương quyết chí thoát nghèo của ông. Ông Thà là điển hình về nông dân vượt khó vươn lên thành hộ có kinh tế khá với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ hai bàn tay trắng.
Không đầu hàng khó khăn
Hơn 20 năm trước, vợ chồng ông Thà vừa phải đi làm thuê vừa mượn đất hoang để làm lúa. Do lúa năng suất thấp, chẳng đủ lo cái ăn, con cái lại thường xuyên đau ốm nên cái nghèo vẫn đeo bám gia đình ông. Bí bách, ông quyết định đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Trở về với vốn liếng tích lũy gần 200 triệu đồng, ông đầu tư trồng lan ngay trên mảnh đất ruộng 1.000 m2 của gia đình.
Những năm đầu trồng lan, ông Thà gặp không ít khó khăn, thậm chí thất bại vì ít kinh nghiệm lại thiếu kiến thức. “Ngày trước chiến đấu gian khổ biết bao, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng mà mình chưa bao giờ lùi bước, chẳng lẽ bây giờ lại đầu hàng chút khó khăn này?” - đêm nào ông Thà cũng trăn trở với suy nghĩ ấy. Thế là ông quyết tâm đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của các hộ dân khác, đến hội nông dân xã, trạm khuyến nông huyện nhờ hướng dẫn.
Nhờ tinh thần ham học hỏi, tiếp thu nhanh kỹ thuật tiên tiến nên ông Thà từng bước nâng được chất lượng trồng lan. Nhờ đầu ra ổn định, bình quân mỗi năm ông có lãi từ 250 đến 300 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, gia đình ông Thà trở nên khấm khá. “Bản lĩnh của người lính thôi thúc tui phải tiến lên, phải dám nghĩ, dám làm, có thất bại thì mới thành công” - ông Thà bộc bạch.
Nếu hoa lan đem lại cuộc sống khấm khá, sung túc cho ông Thà cũng như nhiều hộ nông dân ở Củ Chi thì bò sữa đã giúp gia đình ông Lại Văn Đế (ấp Gò Nổi A, xã An Nhơn Tây) có cuộc sống ấm no. Ông Đế đến với nghề nuôi bò sữa đầu những năm 2000 khi chương trình quốc gia được triển khai ở huyện Củ Chi. Lúc đầu, ông chỉ nuôi 3 con bò vàng, sau đó mua thêm 1 con bò sữa để lai đàn. Hiện đàn bò của ông đã có 22 con, trong đó gần chục con cho sữa với năng suất khoảng 100 kg/ngày. Nhờ thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng từ đàn bò mà gia đình ông lo được cho 4 người con ăn học đàng hoàng, người thấp nhất cũng tốt nghiệp trung cấp.
Nói về thành công của mình, ông Đế thổ lộ: “Thú thiệt, lúc đầu từ việc cho ăn, tắm đến cách phòng bệnh, chữa bệnh, rồi vắt sao cho nhiều sữa mà tránh được bệnh viêm vú..., tui chẳng biết gì. Nhưng không lẽ thấy khó, thấy cực mà bỏ cuộc? Mình đã chọn bò sữa làm kế sinh nhai cho gia đình thì phải quyết tâm làm cho ra trò chứ!”.
Kiên trì để vươn lên
Một gương nông dân sản xuất giỏi khác của Củ Chi mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ là anh Nguyễn Văn Cu, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP ở ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng.
Dẫn chúng tôi xem đám dưa gang sắp cho trái, anh Cu kể: “Vốn liếng ban đầu chỉ 400 m2 đất do cha mẹ để lại và 3 triệu đồng vay mượn cô bác, tôi bắt đầu với mấy luống dưa leo, mấy giàn khổ qua”. Anh nhớ nhất là cách đây hơn 20 năm, khi dưa leo tới mùa thu hoạch thì tự nhiên bị rớt giá. Từ 1.500 đồng/kg, giá dưa leo 2 ngày đầu mùa đột ngột xuống giá thê thảm, chỉ còn 100-200 đồng. “Ra đồng nhìn ruộng dưa, tôi băn khoăn rất nhiều. Cuối cùng, tôi quyết định nhổ sạch, hôm sau gom hết tiền đầu tư lại mùa mới khiến vợ tôi rất ngỡ ngàng. Đến khi thu hoạch, nhờ trái mùa nên dưa được giá. Đợt đó tôi lãi đậm” - anh nhớ lại.
Tuy thành công nhưng do chưa biết áp dụng kỹ thuật nên năng suất hoa màu của anh Cu không cao. Kiên trì nghiên cứu, tìm hiểu cộng với sự hướng dẫn của trung tâm khuyến nông, anh chuyển từ trồng đất sang trồng phủ. Cách trồng này đã cho năng suất cao, đất giữ được độ ẩm mà không bị sâu bệnh nhiều. Cứ một mùa bội thu, anh lại dành một phần lãi thuê đất bỏ hoang của bà con để mở rộng sản xuất. Từ thuê chuyển sang mua, đến nay, anh đã sở hữu hơn 10.000 m2 đất nông nghiệp.
Từ năm 2013, khi Trung tâm Khuyến nông TP HCM, Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi xây dựng điểm sản xuất rau an toàn tại ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng và mở lớp tập huấn cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Cu và hàng chục hộ dân trong xã đã tích cực tham gia. “Nếu trước đây trồng lúa, mỗi vụ 3 tháng chỉ đem về khoảng 15 triệu đồng/ha thì nay trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân chúng tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng” - anh khoe.
Anh Cu cho biết trên mảnh đất một thời bị bom đạn giày xéo này, chính quyền và người dân đang hợp sức xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững. “Mình là thế hệ sau, phải quyết tâm làm giàu từ mảnh đất cha ông để lại” - anh bày tỏ.
Sẵn sàng giúp nhau
Trong vai trò tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP ấp Trung Hiệp Thạnh, anh Nguyễn Văn Cu đã tích cực truyền kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch theo mô hình hiện đại cho bà con nông dân. “Cùng là hàng xóm cả, họ cũng bám mảnh đất cha ông để sinh nhai thì không có lý gì mình lại ích kỷ. Thấy họ khá lên thì mình cũng vui” - anh tâm sự. Nhờ sự nhiệt tâm của anh Cu, tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP ấp Trung Hiệp Thạnh đến nay đã có 38 thành viên với 60 ha.
Ông Trần Văn Thà cũng tận tình chia sẻ và hướng dẫn bí quyết, kỹ thuật trồng hoa lan cho nông dân khác để làm giàu. Nhờ đó, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định. “Tui nhớ hoài hồi mình mới trồng lan, khó khăn đủ thứ. Vì vậy, tui rất cảm thông với bà con nên giúp gì được thì tui sẵn sàng” - ông Thà bộc bạch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-4
Kỳ tới: Nghĩa tình tỏa sáng
Bình luận (0)