Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trên địa bàn TP HCM, nơi nơi đều có quảng cáo, rao vặt, từ các con hẻm nhỏ đến những trục đường chính.
Nhếch nhác, dơ bẩn
Trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, 3 Tháng 2 (quận 10); Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1); Trần Quốc Thảo, Lê Văn Sỹ (quận 3); Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận)…, từ trụ điện, cột chỉ đường, thân cây, thùng biến áp, hộp đèn đến những bức tường, thậm chí cả những khu thuộc cơ quan, trường học… đều xuất hiện những nội dung quảng cáo: Khoan cắt bê tông, thông hút hầm cầu, cho thuê nhà trọ, lắp đặt internet, gia sư dạy kèm, dịch vụ nhà đất, cho vay tín chấp…
Chỉ riêng một đoạn ngắn trên đường Hồ Văn Huê, người đi đường có căng mắt cũng khó tìm thấy một cây cột điện nào “sạch”. Ở nhiều nơi, khi các vết sơn, vôi… của đoàn thanh niên và chính quyền địa phương thực hiện xóa quảng cáo, rao vặt vẫn còn mới toanh thì ngay lập tức đã bị các quảng cáo, rao vặt khác in, dán đè lên.
Ông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi, ngụ quận 3) bức xúc: “Cột đèn, trụ điện nào cũng có quảng cáo, rao vặt, thật nhếch nhác và dơ bẩn”.
Bà Lê Thị Thu Phương (45 tuổi), thường đi qua tuyến đường Trần Quốc Thảo và Lê Văn Sỹ (quận 3), cho biết vì khu vực này có rất nhiều quán ăn, nhà hàng, đồng thời Trường ĐH Sư phạm TP HCM (cơ sở 2) cũng nằm ở đây nên vào các giờ cao điểm, xe cộ di chuyển khó khăn, người đi bộ phải xuống lòng đường mới qua được. Lợi dụng lúc đông người, một số thanh niên thường xuyên phát tờ rơi… “Sau khi xe cộ thông thoáng, những tờ quảng cáo, rao vặt rơi vãi khắp nơi…” - bà Phương nói.
Tháo ra thì lại có người dán vào
Tại tỉnh Bình Dương, quảng cáo, rao vặt cũng xuất hiện dày đặc, nhất là khu vực phường An Phú, thị xã Thuận An - nơi rất đông công nhân, lao động nhập cư sinh sống. Tại đây, hàng loạt cây xanh bị đóng đinh, buộc kẽm để đính lên thông tin bán nhà, tuyển lao động…
Nguy hiểm hơn, những tờ quảng cáo, rao vặt nghiễm nhiên “leo” lên che luôn biển hiệu giao thông. Nhiều trụ có biển báo giao thông phải “chở” hơn 7 thông điệp quảng cáo. “Nhiều hôm mưa gió, mấy tờ quảng cáo, rao vặt bung ra, treo lơ lửng khắp nơi như người ta đang phơi quần áo trên phố. Nhìn nhức mắt lắm!” - anh Nguyễn Văn Tình (ngụ phường An Phú) nói.
Một cán bộ của UBND thị xã Thuận An cho biết lực lượng chức năng của phường An Phú liên tục đi tháo dỡ các mẫu quảng cáo rao vặt nhưng vừa tháo ra thì lại có người dán vào. “Họ đi dán vào những lúc đêm khuya hoặc rạng sáng và còn mang theo thang để dán nơi thật cao nhằm tránh bị gỡ. Khi bị bắt quả tang thì họ xin xỏ vì đa phần là nghèo, được thuê đi dán, có cả trẻ vị thành niên” - vị cán bộ ở thị xã Thuận An thông tin.
Quảng cáo, rao vặt ở Bình Dương bát nháo đến mức thị xã Dĩ An từng xảy ra chuyện lực lượng chức năng mai phục bắt quả tang một đối tượng lợi dụng trời mưa để tháo trộm hàng chục băng-rôn tuyên truyền về chính sách, pháp luật. Mục đích của đối tượng này là tháo về rồi cắt những băng-rôn ra làm nhiều mảnh để viết, dán vào đó thông tin quảng cáo, rao vặt. Trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng của địa phương này đã thu gom khoảng 9.000 mẫu quảng cáo, rao vặt sai quy định.
Huy động sức mạnh… tình nguyện
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thanh Túc - Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận 3, TP HCM - cho rằng dán và phát tờ rơi quảng cáo, rao vặt không còn là chuyện mới mẻ gì nhưng muốn giải quyết triệt để thì rất khó.
“Nói thẳng ra, TP HCM chưa quyết liệt trong chế tài xử phạt đối với những hành vi này vì đa phần đối tượng vi phạm là sinh viên làm thêm, người nghèo. Còn truy số điện thoại các cơ sở thì rất khó xử lý vì đơn vị nào cũng trình báo có giấy phép kinh doanh hợp lệ, thậm chí chối cãi quyết liệt vì không trực tiếp thực hiện” - ông Túc nêu thực trạng. Theo ông Túc, giải pháp tối ưu mà phường 12, quận 3 thường xuyên sử dụng là phát huy sức mạnh tình nguyện của thanh niên. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền đến các cơ sở, tổ dân phố về ý thức của người dân.
Chỉ tính trong năm 2015, các quận - huyện, phường - xã ở TP HCM và đoàn thanh niên đã tổ chức gần 2.500 đợt ra quân bôi xóa hơn 2,3 triệu nội dung quảng cáo, rao vặt trái phép trên các bờ tường, gốc cây, trụ điện…; tháo gỡ hơn 20.500 pa-nô, áp-phích quảng cáo treo, dán bừa bãi làm mất vẻ mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là biện pháp chế tài chưa thật cụ thể; một số cơ quan, ban, ngành chức năng chưa quyết liệt trong việc phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn và xử phạt còn quá nhẹ. Mặt khác, cũng cần hướng dẫn rõ ràng chuyện quảng cáo, rao vặt được thực hiện đến đâu, ở khu vực nào, dưới hình thức ra sao để bảo đảm mỹ quan đô thị và đúng quy định hiện hành.
Kỳ tới: Xin mời dán quảng cáo, rao vặt!
Tuyển qua mạng
Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội, xuất hiện nhiều thông báo tuyển người dán quảng cáo, phát tờ rơi... Các đối tượng được ưu tiên là sinh viên, học sinh, người chưa có việc làm...
Mỗi ngày làm khoảng 3 giờ, nếu “tiêu thụ” được 250 mẩu quảng cáo, tờ rơi thì được 100.000 đồng, trả lương theo tuần. Ngoài ra, nếu làm tốt thì được lãnh lương công nhật 140.000-200.000 đồng/ngày...
Bình luận (0)