Ngày 19-4, tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết kế hoạch năm 2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách trung ương đã hơn 9.500 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các công trình giao thông BOT. Tổng cộng 27 dự án BOT phải giảm hơn 100 năm thu phí, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm vốn đầu tư khoảng 4.500 tỉ đồng. Ngoài ra, việc đặt các trạm thu phí còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân, như trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An), trạm thu phí Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), trạm thu phí Thanh Nê (tỉnh Thái Bình)...
Qua dư luận và ý kiến của cử tri, vẫn còn có một số dự án sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả kém. Điển hình như dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, được khởi công từ năm 2005 với tổng vốn đầu tư 1.510 tỉ đồng, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 18.408 tỉ đồng. Qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay tổng vốn đầu tư đội lên thành 36.000 tỉ đồng và chưa ấn định được thời gian hoàn thiện dự án.
Ban thẩm tra cũng chỉ rõ tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch và mục tiêu đề ra. Một số dự án đầu tư trong giai đoạn trước không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản nhà nước chưa được khắc phục. Ví dụ cụ thể là 12 dự án của các doanh nghiệp thuộc ngành công thương với tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng. Cùng với đó, việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng ở một vài nơi còn buông lỏng, gây thất thoát tiền và tài sản nhà nước, như sai phạm tại Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam.
Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và các địa phương xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ông Nguyễn Đức Hải cũng đề cập tình trạng ồ ạt tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh, thành lập ngành... ở nhiều địa phương trong năm 2016. Như tỉnh Vĩnh Phúc đã chi đến 65 tỉ đồng để mua quà tặng nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị chi hàng chục tỉ đồng chỉ để mua kỷ niệm chương về 80 năm ngày truyền thống của ngành.
Thành lập TP Sầm Sơn
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH thông qua Nghị quyết về việc thành lập 4 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Theo tờ trình của Chính phủ, TP Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ gần 45 km2 diện tích tự nhiên, dân số hơn 150.000 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn. Sau khi thành lập 4 phường và TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (27 đơn vị) và cấp xã (635 đơn vị) nhưng có 2 TP là Thanh Hóa và Sầm Sơn.
Ủy ban Thường vụ QH tán thành với tờ trình nhằm đáp ứng quá trình đô thị hóa của thị xã Sầm Sơn, tạo động lực cho việc xây dựng thị xã Sầm Sơn phát triển toàn diện theo định hướng trở thành đô thị du lịch cấp quốc gia; đô thị tương hỗ cho TP Thanh Hóa và Khu Kinh tế Nghi Sơn; hình thành tam giác tăng trưởng TP Thanh Hóa - Sầm Sơn - Nghi Sơn; là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và có tác động đến phát triển vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Bình luận (0)