Thông tin Hà Nội lên lộ trình hạn chế xe máy vào nội thành từ năm 2030 đã gây nhiều tranh cãi không chỉ người dân mà cả trong giới chuyên gia. Gần đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội tiếp tục đưa ra kết quả của một cuộc khảo sát mà con số hơn 90% người dân đồng ý hạn chế xe máy trong nội thành khiến nhiều người hoài nghi.
Chọn ngẫu nhiên?
Để làm rõ sự hoài nghi của người dân, ngày 30-6, tại buổi tọa đàm trực tuyến "Hà Nội hạn chế xe cá nhân và lo lắng của người dân", ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Sở GTVT Hà Nội), khẳng định phiếu khảo sát là chính xác và hoàn toàn minh bạch, song việc này không thể điều tra toàn TP mà chỉ tiến hành theo phương pháp chọn mẫu.
Để thực hiện, cơ quan soạn thảo phối hợp cảnh sát khu vực các phường trên 30 quận, huyện. Phiếu khảo sát được phát trực tiếp tới hơn 16.000 hộ dân, thu về 15.400 phiếu. Việc khảo sát được tiến hành ngẫu nhiên, có người sử dụng xe máy và không sử dụng xe máy, học sinh, người lao động, lao động tự do, người có hộ khẩu hoặc tạm trú...
Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ ủng hộ đề án tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân là 84%, trong khu vực vành đai 3 là trên 85%. Số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là trên 90%. Tuy nhiên, kèm với đó là điều kiện người dân Thủ đô yêu cầu phải nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại. Ngoài ra, trên 71% người dân được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, khu vực Vành đai 3 có số người được lấy ý kiến ủng hộ là hơn 67%.
"Trên mẫu phiếu khảo sát có chữ ký của từng người được hỏi, cả tổ trưởng tổ dân phố và cảnh sát khu vực. Chúng tôi làm khách quan, không gian dối trong khảo sát" - ông Mười khẳng định.
Cũng tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết về kinh nghiệm của các đô thị lớn khi dừng phương tiện xe máy, các nước như Trung Quốc, Myanmar chỉ đưa ra lộ trình 3 đến 6 năm. Thời gian đầu, Sở GTVT cùng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đưa ra mốc 2025 nhưng khi hội thảo lấy ý kiến, các chuyên gia và theo khảo sát người dân thì thấy mốc từ 2016-2025 quá gấp gáp, chưa đủ thời gian. Sau khi cân nhắc, sở cùng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng thời điểm năm 2030, khi kết cấu hạ tầng đã được đồng bộ, hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy.
Ùn tắc giao thông trên phố Thái Hà, quận Đống Đa, TP Hà Nội
Theo ông Viện, đề án sẽ mở rộng dần vùng hạn chế xe máy phù hợp với mạng lưới đường sắt đô thị, khi phương tiện công cộng đáp ứng 50%-55% nhu cầu đi lại của người dân. Đây là mục tiêu định hướng cho người dân, doanh nghiệp chuẩn bị thay đổi kế hoạch đi lại. Đến năm 2030, HĐND TP căn cứ sự phát triển của hạ tầng để quyết định thời điểm dừng xe cá nhân.
"Chúng ta phải tạo thói quen đi lại của người dân từ xe cá nhân sang xe công cộng. Hiện nay, dù có 100 m nhiều người cũng đi xe máy. Từ nay đến năm 2030, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm xe cá nhân sẽ giúp xây dựng TP xanh - sạch - đẹp"- ông Viện bày tỏ.
Giúp tăng trưởng GDP
Để đáp ứng yêu cầu giảm phương tiện giao thông cá nhân và nhu cầu đi lại của người dân, ông Viện cho biết Sở GTVT đang trình TP đề án phát triển mạng lưới xe buýt. Dự kiến, đến năm 2030, xe buýt chiếm thị phần chủ yếu trong vận tải hành khách công cộng. Cùng với đó là quy hoạch các điểm dừng đỗ xe buýt với khoảng cách 500 m, lựa chọn các loại xe buýt nhỏ 24 chỗ để đi vào đường hẹp với mục tiêu xe buýt đáp ứng 20%-24% nhu cầu đi lại.
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Đỗ Mười khẳng định trong đề án không chỉ nhằm mỗi đối tượng xe máy mà cả ô tô. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trên thế giới, không có quốc gia nào dừng hoạt động của ô tô mà chỉ có các biện pháp kinh tế để hạn chế.
Cụ thể, tại Trung Quốc, sau 10 năm, có 148 TP dừng hoạt động xe máy và 170 TP cấm xe máy hoạt động theo giờ. Đến năm 2016, GDP của các TP dừng xe máy ở Trung Quốc có sự tăng trưởng so với TP không cấm từ 0,5-1%.
Chưa xem xét thu hồi xe máy cũ
Ngày 30-6, tại buổi họp báo giới thiệu nội dung kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Đô thị Hà Nội, cho hay tờ trình mới nhất của UBND TP và dự thảo nghị quyết của HĐND về đề án quản lý phương tiện giao thông không còn nội dung thu hồi xe máy cũ nát trong giai đoạn 2017-2020 như dự thảo được đưa ra lấy ý kiến.
Theo ông Quân, sau khi các bộ, ngành cho ý kiến, phản biện của MTTQ Hà Nội và trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, nghiên cứu tính pháp lý, cơ quan soạn thảo thấy nội dung này phải tính toán kỹ hơn. Vì thế, dự thảo nghị quyết trình HĐND sẽ không có việc thu hồi xe máy cũ nát. Theo tờ trình đề án, nội dung thu hồi xe máy cũ nát vào năm 2018 được thực hiện theo giải pháp: giai đoạn 2017-2020 sẽ điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng theo năm sản xuất, nếu không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ đề xuất thu hồi, xử lý. Một giải pháp khác là thống kê phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn, xác định bãi tập kết để tiêu hủy xe máy hết niên hạn.
Bình luận (0)