Chiều 26-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ sự quan ngại là chính sách thuế ưu đãi cho DN để khuyến khích phát triển quỹ nhà ở xã hội dành cho 3 đối tượng sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp sẽ không đến đúng đối tượng.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng băn khoăn về việc sẽ khó tách bạch trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khi làm nhà ở xã hội... Ảnh: T.DŨNG
Nhiều nỗi lo
“Cứ đến các khu ký túc xá sinh viên ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) mà xem mới thấy sinh viên nước ta là một trong những sinh viên khổ nhất thế giới. Tám em chen chúc trong căn phòng chật hẹp”. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nêu thực trạng để bày tỏ sự ủng hộ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế thu nhập DN do Chính phủ đệ trình.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Tại buổi thảo luận, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: Hiện các khu nhà ở dành cho công nhân trước đây đã xuống cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp và sinh viên cũng rất cấp thiết. Việc giảm thuế GTGT và thuế thu nhập DN là một trong những chính sách cần thiết để thúc đẩy phát triển quỹ nhà ở xã hội. Theo Tổng Bí thư, chính sách cần làm sớm nhưng không thể vội vàng và cần đặt lên bàn QH thảo luận để chọn phương án tốt nhất. “Để chính sách ý nghĩa này đến đúng đối tượng được thụ hưởng cần có chính sách đồng bộ, hai chính sách thuế là chưa đủ”- Tổng Bí thư nhận định. |
ĐB Đặng Ngọc Tùng (TPHCM) ủng hộ các quy định trong dự luật nhưng băn khoăn về việc sẽ khó tách bạch trong hoạt động kinh doanh của các DN khi làm nhà ở xã hội, nhà ở kinh doanh và chính sách ưu đãi này sẽ không đến được đúng đối tượng cần được thụ hưởng. Theo ông Tùng, sở dĩ có lo ngại này vì các DN không đơn thuần chỉ thực hiện một loại nhà ở.
“Tôi thấy có khu biển treo bên ngoài là xây dựng cho người thu nhập thấp nhưng bên trong thì toàn biệt thự”. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) không đồng tình với việc sửa luật vì lo những ưu đãi không đến đúng đối tượng. Theo ông Quyền, điều đó vừa gây thất thoát ngân sách Nhà nước vừa tạo ra những bất cập trong xã hội.
Với kinh nghiệm của một doanh nhân, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng rất dễ nảy sinh tiêu cực vì khó rạch ròi đâu là nhà ở xã hội và đâu là nhà ở kinh doanh. “Xây dựng nhà ở xã hội là không thị trường. Giao đất, ưu đãi thuế để DN xây nhà ở xã hội 6 triệu - 7 triệu đồng/m2 nhưng nhà đó có đến tay đúng đối tượng không hay lại bán ra thị trường với giá vài chục triệu đồng/m2”- ĐB Loan băn khoăn.
Là một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội), Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư phát triển Hà Nội, cũng không hài lòng với việc sửa luật để khuyến khích DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Theo ông Sơn, không có DN nào băn khoăn về vấn đề ưu đãi thuế khi tham gia xây dựng nhà ở xã hội mà họ muốn có cả một cơ chế và chính sách tổng thể về vấn đề này, điều mà dự thảo sửa đổi luật đã không làm được.
Hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng
“Đã thu nhập thấp thì lấy đâu ra ngay 300 triệu - 400 triệu đồng để mua nhà. Vì thế không nên hỗ trợ qua khâu trung gian là DN mà nên hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Điều đó vừa loại bỏ tiêu cực, cơ chế xin-cho”- ĐB Phạm Thị Loan kiến nghị. ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) tán đồng quan điểm hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng thay vì đầu tư lòng vòng.
Theo ông Khanh, sao lại cứ đặt vấn đề miễn giảm thuế cho DN mà không dùng tiền đó để hỗ trợ trực tiếp như để trường ĐH đứng ra xây rồi cho sinh viên thuê hay KCN xây dựng nhà ở rồi để công nhân thuê và trừ dần vào lương.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) góp ý: “Không nên thực hiện ưu đãi bằng chính sách thuế mà Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách khác như hình thành quỹ và cho vay không lãi suất, để người lao động dành 30%-40% thu nhập cho mua nhà trong hàng chục năm. ĐB Nguyễn Tiến Quân (Quảng
Ông Quân đưa ra kinh nghiệm ở Mỹ và một số nước Bắc Âu: Nhà nước dành quỹ đất để khuyến khích DN phát triển nhà ở xã hội hoặc nhà nước thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội rồi bán, cho thuê. Hiện ở châu Âu, mô hình hợp tác xã nhà ở là tổ chức cộng đồng với mức giá dịch vụ được sự thống nhất của các cộng đồng, do người dân tự quản với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để huy động DN ngoài quốc doanh tham gia xây dựng nhà ở xã hội, luật cần có quy định tiêu chí đối tượng được hưởng; có chế tài để đến đúng đối tượng được thụ hưởng; DN được hưởng hỗ trợ về đất đai, thuế... “Sau này không tiếp tục thực hiện loại nhà ở xã hội thì phải hoàn trả những ưu đãi đã được hưởng cho Nhà nước để DN khác làm, nếu không sẽ chỉ là chỗ để DN trục lợi rồi chạy làng” – ông Quân phân tích.
Hôm nay, ngày 27-10, QH thảo luận tại hội trường về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009; phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.
Cần luật hóa hoạt động của Ủy ban Tần số vô tuyến điện Sáng 26-10, QH thảo luận về dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện. ĐB Lê Thanh (Trà Vinh) cho rằng phải có cơ quan và thanh tra riêng để quản lý tần số vô tuyến điện vì đây là lĩnh vực mang tính chuyên ngành và liên quan tới bí mật quốc gia. Theo ĐB Phan Xuân Dũng (Thừa Thiên- Huế), cần thiết phải duy trì Ủy ban Tần số vô tuyến điện (đã thành lập với thành viên gồm nhiều bộ, ngành) để điều phối, bảo vệ cho an ninh quốc gia vì đây là vấn đề mà một bộ không thể giải quyết được. ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) đề nghị rút ngắn thời gian thu hồi giấy phép từ 2 năm xuống còn 6 tháng, nếu không sử dụng tần số để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, cần đấu giá tần số có giá trị thương mại lớn; còn những tần số có giá trị thương mại thấp, mang tính công ích thì sử dụng các phương pháp khác... |
Bình luận (0)