TP HCM và Hà Nội sẽ thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận - huyện, xã - phường với hy vọng chấn chỉnh tình hình mất ATTP hiện nay.
Chỉ nhằm răn đe
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết từ ngày 15-11, 2 địa phương là Hà Nội và TP HCM bắt đầu thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận - huyện, xã - phường. Mỗi thành phố sẽ chọn 5 đơn vị hành chính cấp quận, 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc đơn vị hành chính cấp quận đã chọn.
Theo ông Long, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP trên cả nước mới chỉ dừng ở cấp tỉnh - thành phố, trong khi hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm lại nằm ở cơ sở nên hiệu quả giám sát, quản lý, thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Đặc biệt, ở tuyến xã - phường, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP hầu hết chỉ nhằm uốn nắn, tuyên truyền là chính; việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Cục ATTP - Bộ Y tế cho rằng khó khăn nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP hiện nay quá mỏng. Cả nước hiện có chưa đến 200 thanh tra chuyên ngành về ATTP, trong khi có đến 500.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phải kiểm tra hằng năm. Vì thế, trong 9 tháng đầu năm 2015, hơn 21.000 đoàn đã đi thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP, cho biết trước đây, muốn xử phạt thì đoàn thanh tra liên ngành phải có báo cáo, trình lên thanh tra cấp tỉnh. Với mô hình mới, thanh tra ATTP xã - phường được xử phạt tại chỗ đến 500.000 đồng. Mức cao nhất mà cấp xã có quyền xử phạt là 5 triệu đồng và cấp quận được phạt đến 20 triệu đồng.
“Với một cơ sở thức ăn đường phố hay quán ăn ở xã - phường thì mức phạt 500.000 đồng là không nhỏ. Tuy nhiên, mục đích ở đây không phải xử phạt mà nhằm răn đe để tạo sự thay đổi” - ông Long kỳ vọng.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, về cấp quận, sở đã chọn Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thường Tín để thí điểm thanh tra ATTP xã - phường. Tại TP HCM, mô hình này được thí điểm ở các quận 3, 5, Bình Tân và 2 huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Dự kiến, mỗi xã - phường có 3-5 cán bộ thanh tra chuyên ngành về ATTP và mỗi quận - huyện có 5- 8 cán bộ.
Ông Hạnh cho rằng nếu dựa vào nguồn cán bộ sẵn có để kiêm nhiệm thanh tra ATTP thì khi triển khai sẽ bị chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, rất khó bao quát công việc.
“Hấp dẫn”, dễ “hành dân”
Dù kỳ vọng đội ngũ thanh tra cấp xã - phường, quận - huyện sẽ tạo ra chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực ATTP tại Hà Nội và
TP HCM nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc để địa phương giữ lại 100% tiền phạt có thể khiến họ lạm dụng, làm khó doanh nghiệp.
Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết trong giai đoạn thí điểm, thanh tra chuyên ngành có thể xử phạt vi phạm ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của cả 3 bộ Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Công Thương.
“Việc giao quyền cho lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp cơ sở chắc hẳn sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP tại địa phương, có sức răn đe mạnh hơn hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các sở quản lý nhà nước chuyên ngành tại Hà Nội, TP HCM phải theo dõi sát sao, ngăn chặn nguy cơ thanh tra chuyên ngành lạm quyền, như liên tục đến thanh tra cơ sở, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Bá Anh nêu ý kiến.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn về việc được giữ lại 100% tiền xử phạt có thể là yếu tố “hấp dẫn”, dễ dẫn đến sự lạm quyền của thanh tra ATTP phường - xã, quận - huyện.
Trước lo lắng này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định quan điểm lấy xây làm chính, sau đó nhắc nhở, tuyên truyền, nếu tiếp tục vi phạm mới tiến hành xử phạt. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phải đúng quy định, không được lạm dụng để “hành dân”, gây bức xúc.
Ông Nguyễn Hùng Long cho biết khi đi thanh tra, kể cả thanh tra độc lập (một người) cũng phải có quyết định của chủ tịch UBND quận - huyện, xã - phường. “Không phải khoác áo và có thẻ thanh tra là cứ xử phạt. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp, cá nhân không đồng ý với kết quả thanh tra thì sẽ thanh tra lại” - ông Long nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tới đây, Cục ATTP sẽ phối hợp với TP HCM và Hà Nội tổ chức 2 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP. “Các địa phương cần chú trọng thanh tra chất lượng ATTP, không nên sa đà vào kiểm tra giấy phép, giấy khám sức khỏe, chứng nhận tập huấn... Ngoài ra, cán bộ thanh tra đừng vượt qua giới hạn, gây bức xúc cho người dân” - ông bày tỏ.
Chọn người đáp ứng tiêu chuẩn
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết sở vừa làm việc với Bộ Y tế để triển khai quyết định thí điểm thanh tra ATTP. Sở đang khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể trình UBND TP phê duyệt. Trước mắt, TP HCM chọn 5 quận - huyện và 10 phường - xã để thực hiện thí điểm việc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực ATTP. UBND TP quyết định lựa chọn các quận - huyện, phường - xã để thí điểm; lãnh đạo các địa phương được lựa chọn nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn để giao thực hiện nhiệm vụ…
Theo ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM, khi có quyết định của UBND TP, thanh tra sở sẽ tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng công thương, nông nghiệp. Các nội dung tập huấn theo quy định mới cũng đã được chuẩn bị.Ng.Thạnh
Bình luận (0)