Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức vào ngày 24-2 tại Hà Nội.
Truy trách nhiệm cơ quan quản lý
Báo cáo tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT-DL, cho biết mùa lễ hội 2017 đã có nhiều cải tiến. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng nói rõ công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn một số hạn chế như biểu hiện thương mại hóa; vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và hội chọi trâu huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung Nghệ An…
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho rằng cần nhìn thẳng vào nguyên nhân những tồn tại của lễ hội, trong đó có những hạn chế về cơ sở vật chất, ý thức của người tổ chức, tham gia lễ hội cũng như những yếu kém của công tác quản lý.
“Cơ quan quản lý nhà nước tất nhiên phải chịu trách nhiệm nhưng quan trọng là xác định trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội. Cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm nhưng người tổ chức chỉ lo thu được bao nhiêu tiền, đón bao nhiêu khách chứ không quan tâm đến ý nghĩa lễ hội thì rất khó cho công tác quản lý. Nếu người tổ chức, người tham gia lễ hội sai thì phải khen chê đúng đối tượng, không thể đổ lỗi hết cho cơ quan quản lý” - ông Động nói.
Theo ông Tô Văn Động, công tác thanh tra, kiểm tra lễ hội còn nhiều vướng mắc. Nhiều đoàn đi kiểm tra lễ hội nhưng thực chất là đi lễ và khen nhau.
Khó ngăn thương mại hóa lễ hội
Một trong những vấn đề “nóng” được nhiều địa phương đề cập là vấn đề thương mại hóa lễ hội. Đại diện nhiều sở VH-TT-DL cho rằng với cuộc sống hiện đại, nhu cầu dự lễ hội của người dân ngày càng tăng và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tâm linh nên việc thương mại hóa lễ hội là khó tránh khỏi. Thực trạng này cần phải được nhìn nhận lại để không gây ra những hậu quả xấu nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh cho rằng việc các nghệ nhân quan họ chủ động “ngả nón” xin tiền đáng bị lên án nhưng việc người dự hội muốn thưởng tiền cho các nghệ nhân là hành động rất bình thường. “Nghệ nhân không thể đi hàng chục cây số đến hát suông cho người dự hội. Họ cũng cần chi phí để trang trải cho những đầu tư đã bỏ ra, chỉ là làm thế nào để nhìn đẹp mắt mà thôi” - đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh nói.
Ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL Tuyên Quang, bày tỏ tổ chức lễ hội cũng cần phải tính đến yếu tố thương mại và cả tâm lý đám đông. “Nếu cấm chọi trâu thì phải cấm trên toàn quốc. Không thể chọi trâu nơi này xem là di sản, còn nơi khác là bạo lực, phản cảm. Trong chọi trâu bán thịt là chuyện bình thường. Hiện nay, con trâu không phải là đầu cơ nghiệp, thịt trâu tươi ngon, được bán với giá phải chăng, ai muốn mua thì mua, đây là thị trường” - ông Phan nói.
Loại bỏ lễ hội phản cảm
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định bộ này đã ban hành không thiếu một văn bản nào trong việc điều hành, công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội. Ngành văn hóa phải giải quyết những tồn tại của lễ hội. Trước mắt rút kinh nghiệm, những gì sửa chữa được ngay thì khắc phục, không để tái diễn. Về lâu dài phải rút ra những bài học cho công tác quản lý. Phải làm sao để có kết quả cụ thể, năm sau khắc phục được hạn chế của năm nay, xóa bỏ những lễ hội phản cảm, bạo lực, không nói chung chung.
“Tôi không xuề xòa. Nếu lỗi của ai thì người đó phải bị kiểm điểm, bị phạt. Bóng đá bị phạt thì lễ hội cũng bị phạt, bị cấm không được tổ chức. Quản lý nhà nước phải nghiêm minh, quân lệnh như sơn” - ông Thiện khẳng định.
Bình luận (0)