Vấn đề liên quan tới hiệu quả của buýt nhanh BRT được chính người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội "khơi mào" trong cuộc họp của lãnh đạo UBND TP khi đề nghị thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh trong 6 tháng, từ đầu tháng 6 tới. Buýt thường đi vào làn đường ưu tiên cho buýt nhanh cũng đồng nghĩa với việc buýt thường sẽ nhanh bằng buýt nhanh hoặc buýt nhanh chậm như buýt thường.
Sở dĩ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị như vậy là vì xe buýt nhanh chưa chứng tỏ được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu sau hơn 3 tháng chính thức đi vào hoạt động. Theo thống kê, sau hơn 3 tháng vận hành, buýt nhanh chở bình quân 41,1 hành khách mỗi lượt xe và 13.600 hành khách mỗi ngày. Theo người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội, lượng khách cao nhất của buýt nhanh chưa đạt 48 người mỗi lượt trong khi sử dụng làn đường riêng là chưa hợp lý.
Thực tế hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên tại Hà Nội cho thấy không khác nhiều với những ý kiến trước đó đặt vấn đề về hiệu quả của loại hình vận tải đô thị hiện đại trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay của TP có số dân khoảng 7,7 triệu người, chưa kể hơn 1,5 triệu người tạm trú. Buýt nhanh đúng là phương tiện giao thông công cộng của đô thị hiện đại nhưng chỉ vận hành hiệu quả khi có điều kiện và hạ tầng giao thông đồng bộ. "Chia lửa" với buýt nhanh trong đô thị đông đúc hiện nay cần phải có sự phát triển tương xứng của các loại hình vận tải công cộng khác, như tàu điện ngầm hay đường sắt trên cao, mạng lưới buýt thường vận hành tốt. Kèm theo đó là ý thức tham gia giao thông văn minh của người dân, vấn đề hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân...
Trong khi đó, buýt nhanh ở Hà Nội hiện nay mới chỉ "đơn thương độc mã" một tuyến đường dài khoảng 14 km và cũng mới chỉ vận chuyển được 13.600 lượt hành khách/ngày, đáp ứng quá nhỏ so với nhu cầu đi lại của người dân. Những gì mà buýt nhanh BRT thể hiện hơn 3 tháng qua chưa tương xứng với số tiền đầu tư 55 triệu USD (hơn 1.100 tỉ đồng) cũng như những đặc quyền ưu tiên mà phương tiện giao thông này được hưởng.
Có thể thời gian hơn 3 tháng chưa đánh giá chính xác và đầy đủ về hiệu quả của xe buýt nhanh ở Hà Nội song cũng đủ để nhìn nhận cơ bản về hoạt động buýt BRT, nhất là từ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của loại phương tiện giao thông công cộng này ở nhiều nước. Muốn buýt nhanh thật sự nhanh như trông đợi thì "dục tốc" chắc chắn "bất đạt" cho dù có bỏ ra ngàn tỉ hay nhiều ngàn tỉ như buýt BRT, mà cần có thời gian và lộ trình để phát triển đồng bộ từ hạ tầng giao thông đến ý thức con người.
Bình luận (0)