Giữa thời buổi đi đâu cũng gặp những công trình bê-tông cốt thép và các loại vật liệu xây dựng hiện đại, ta sẽ cảm thấy thú vị nếu tình cờ ghé vào một ngôi nhà toàn bằng tranh tre. Lại càng thú vị hơn nếu đó là ngôi nhà tranh đã có tuổi thọ tròn một thế kỷ và ngồi nghe chủ nhà kể những kỷ niệm về tre trong cuộc đời ông.
Báu vật 4 đời
Tiếp chúng tôi trong chính ngôi nhà 1 gian 2 chái làm bằng tre, lợp tranh săng đã có tuổi thọ cả trăm năm, cụ Lương Văn Minh (SN 1923) kể: “Ngôi nhà này do ông nội tôi mua lại của một người hàng xóm hồi cha tôi là ông Lương Văn Cam (tức cụ Cửu Quýt) mới 13 tuổi. Cha tôi sinh năm 1899. Như vậy, năm ông nội tôi mua ngôi nhà về dựng lại trên miếng vườn này là năm 1912. Tính đến năm 2006, ngôi nhà này đã 94 năm tuổi. Nếu kể cả những năm thuộc về người chủ trước thì tuổi thọ của nó đã vượt qua một thế kỷ”.
Điều lạ là năm Mậu Thân 1968, cả làng Khúc Lũy và La Qua (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đều bị bom đạn làm cháy hết mà ngôi nhà này vẫn nguyên vẹn. Ông Minh chỉ vào chiếc chõng tre, kể tiếp: “Lúc đó, cha tôi đã 78 tuổi. Cụ nằm trên chiếc chõng này đây. Một quả cà-nông nổ ở đầu nhà, 2 mảnh đạn đâm vào đầu và chân chõng nhưng ông chẳng hề chi cả!”.
Đó là ngôi nhà chỉ rộng 40 m2 nhìn ra nhánh sông Khúc Lũy. Toàn bộ các vì kèo, đòn tay, rui, mè... của ngôi nhà đều làm bằng một loại tre ngâm có đường kính chưa tới 10 cm đã lên màu đen thẫm qua thời gian. Vách 2 đầu hồi là những tấm phên lương trét phân trâu, vách mặt trước và sau đan công phu hơn với những nẹp tre trang trí chân phương, cân đối, khá đẹp. Giữa những tấm phên thưng vách để lộ ra những song cửa bằng tre cật. Tất cả rèm cửa trước, lá cửa hông đều đan bằng tre chẻ mỏng, có cây chống; các nẹp tre đều được tháp bằng 1 loại sợi mây chẻ mỏng rất tinh tế mà tôi đã từng thấy cách đây trên 40 năm ở nông thôn xứ Quảng và bây giờ ít nơi nào còn nữa. Mái nhà lợp một lớp tranh săng dày, nay đã cũ. Cụ Minh nói rằng đã bao lần con cháu muốn phá ngôi nhà để xây mới nhưng ông ngăn cản vì đây chính là kỷ niệm của cả 4 đời người trong gia đình, cần phải giữ lại!
Chứng kiến ngôi nhà bằng tre này vẫn đứng vững trong trận bão khốc liệt Xangsane năm 2006 trong lúc nhiều ngôi nhà xây gạch, xi-măng ở Quảng Nam bị gió quật đổ, mới cảm nhận hết sức chịu đựng bền bỉ của loài cây thân thuộc mà cả thế giới đang dồn sức nghiên cứu từ mấy thập niên qua.
Cụ Lương Văn Minh lại kể về đời ông vào những năm tháng tập kết ra Bắc. Cũng là hình ảnh lặn lội vác những cây luồng, cây tre làm phà cho xe máy vượt sông Ghép, tổ chức xưởng sản xuất hàng ngàn thuyền nan tre năm 1965 ở Thanh Hóa; đưa hàng ngàn chuyến thuyền nan chở lương thực, súng đạn ra biển vào phía Nam ở cửa Hội (Nghệ An) thời ông làm phó chủ nhiệm xí nghiệp đóng tàu ở đây... Những lúc đó, ông nhớ da diết ngôi nhà tre cùng vợ và những người con còn ở quê nhà. Khi về lại quê hương và nghỉ hưu, cụ Minh hằng ngày vẫn nằm trên chiếc chõng tre ngày xưa cha cụ vẫn nằm và coi nó như một báu vật. “Nằm trên chiếc chõng này, ngắm những rui mè đen bóng trên kia khi gió sông thổi ngoài bãi bồi Khúc Lũy vào mát rượi, tôi chẳng còn gì bận tâm nữa!” - cụ Minh tâm sự.
Hình ảnh thống nhất của dân tộc
Nghe chuyện về ngôi nhà tre này, tôi chợt liên tưởng đến nhà nghiên cứu Pierre Gourou của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Ông là tác giả một công trình nghiên cứu về nhà Việt Nam từ năm 1937 rất công phu: “Một ngôi làng Việt Nam là một nhóm nhà có vườn bao quanh, tất cả được rào bằng một lũy tre...”; “nhà ở làng Bát Nhị (gần làng La Qua của cụ Minh) có bộ khung bằng tre hoặc mái tre khung cột gỗ tạo ra nhiều nét riêng cho thấy một sự tùy tiện nào đấy. Chính cái nét riêng ấy tạo nên tính cách địa phương của vùng Quảng Nam...”.
Nhưng đi từ đồng bằng Bắc Bộ đến Bình Định, P. Gourou lại nhận xét: “Nhà người Việt là một thực thể thống nhất... Trong quá trình Nam tiến, người Việt biết giữ thói quen xây dựng của mình, ảnh hưởng ngự trị trong bình đồ và kết cấu một ngôi nhà chính là sự thống nhất của dân tộc Việt Nam”.
Quan sát sự thống nhất đó từ trong ngôi nhà 100 tuổi của cụ Minh, tôi vẫn thấy còn đó những vật liệu gốc thảo mộc, một cái sân vuông vức phía trước, cánh cửa bên trái dẫn xuống nhà bếp với chuồng heo, ảng nước, gáo múc nước bằng dừa bên khóm chuối, cái nền nhà bằng đất nện và một gian giữa thiêng liêng nơi thờ cúng tổ tiên. Tất cả tạo ra một không gian sống yên bình và thơ mộng của một nông thôn miền Trung đang dần bị biến mất vì bê-tông cốt thép.
Người Việt dựng một ngôi nhà còn với những nghi thức đa dạng và phức tạp mà các nhà nghiên cứu phương Tây đều cho rằng đó là nơi thể hiện sự lưu ý về tâm linh cùng những tín ngưỡng quan trọng, ẩn chứa trong đó mối quan hệ sâu xa về gia đình, xã hội và tâm hồn của họ.
Chính từ những câu chuyện liên quan đến cây tre trong hàng chục năm rời căn nhà này đi theo kháng chiến của cụ Minh, rồi về lại và nằm ngay trên chiếc chõng tre ngày xưa cha mình đã thoát chết, tôi nghĩ đó cũng là một nét chiều sâu của tâm hồn cụ. Chỉ có điều, với đồng lương hưu trí nhỏ nhoi, một cụ già 83 tuổi nhiều bệnh tật thì việc gìn giữ lại ngôi nhà cổ hiếm hoi này là một gánh nặng...
Từ ngôi nhà tre cổ của cụ Lương Văn Minh, tôi lại liên tưởng đến loài cây thân thuộc đã gắn bó với con người Việt Nam, con người Á Đông như một định mệnh.
Kỳ tới: Hồn quê ở thành phố di sản
Bình luận (0)