Sáng 22-3, phóng viên Báo Người Lao Động gặp ông Huỳnh Ngọc Sơn (53 tuổi, thường gọi là Hòa, ngụ khu phố 4, phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) - người đã lao đi báo cho nhân viên gác chắn về việc cầu Ghềnh bị sập để kịp cứu đoàn tàu hàng lao xuống cây cầu gãy.
Ngồi trong căn nhà chật chội bên bờ kè sát ngay mố cầu Ghềnh bên sông Đồng Nai, ông Sơn xua tay cho biết mình không muốn lên báo. “Chỉ là việc bình thường thôi mà, tôi phản xạ tự nhiên, lúc đó vội đi báo ngay cho mọi người và nhân viên gác chắn chứ không nghĩ gì cả”, ông cười hiền.
Ông Sơn kể, lúc đó khoảng 11 giờ 30 phút, ông cùng gia đình đang ăn cơm trưa thì nghe một tiếng “rầm” lớn.
Chưa hiểu chuyện gì, ông Sơn vội chạy ra xem thì thấy cầu Ghềnh đã sập, bụi bay mù mịt. Dù chưa rõ nguyên nhân, nhưng theo phản xạ tự nhiên, ông Sơn vội hô lên cho mọi người biết và chạy ngay về phía gác chắn báo cho các nhân viên.
Tại cầu Ghềnh các nhịp gãy sập hiện đã bị chìm hẳn
“Nhà tôi ở gần cầu Ghềnh nhất phía bên này sông, cách chỉ khoảng 50 m, nên việc đầu tiên theo phản xạ là tôi nghĩ đến các đoàn tàu, tôi phải báo ngay cho họ”, ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Sơn, gần ngay nhà ông sát cầu Ghềnh cũng có trạm gác chắn khác, nhưng trạm này cách cầu chỉ khoảng vài chục mét, không thể ngăn các đoàn tàu, nên ông chạy lên trạm phía trên cách khoảng 200 mét báo tin để có thể ngăn được đoàn tàu đang lao tới.
Ông Sơn cho rằng có thể nhân viên trạm bên cầu cũng có thể báo tin cho đồng nghiệp nhưng theo phản xạ nhanh nhất, cấp thiết tức thì, thì việc báo tin trực tiếp sẽ hiệu quả hơn.
Đúng như suy nghĩ phản xạ của người dân sinh ra và lớn lên ở khu vực cầu Ghềnh này, khi ông chạy lại báo, 3 nhân viên gác chắn đã kịp thời triển khai các vị trí, ra tín hiệu khẩn cấp báo cho đoàn tàu hàng đang lao đến từ hướng tỉnh Bình Dương kịp dừng lại. Con tàu chỉ kịp dừng lại cách cầu 200 m, tương ứng với 5 giây tàu chạy.
Việc làm theo phản xạ tự nhiên của ông Sơn khiến nhiều người xúc động, tuy nhiên người đàn ông này luôn xua tay: “Bình thường thôi mà, không có gì đâu…”.
Liên quan đến việc kịp thời dừng tàu, ngày 21-3, Công đoàn Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã khen thưởng “nóng” cho 3 nhân viên gác chắn là Phạm Tiến Dũng, Phan Tiến Dũng và Ngô Việt Phái.
Trong một diễn biến khác, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, chi phí chi cho việc trục vớt giải tỏa hiện trường cầu Ghềnh sập trước khi phục hồi, sửa chữa từ 10-12 tỉ đồng.
Bình luận (0)