Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng thể, đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực này nhằm góp phần xây dựng đất nước.
Nghỉ việc giữa chừng
Chương trình Mekong 1.000 từ đề xuất của Trường ĐH Cần Thơ đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo ký quyết định thành lập ban chỉ đạo đề án từ tháng 10-2005. Mục tiêu là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau ĐH ở nước ngoài nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng. Đã có 552 ứng viên khắp các tỉnh, thành ở ĐBSCL đi học theo chương trình này với tổng kinh phí hơn 19 triệu USD (chi phí đào tạo cho 1 thạc sĩ là 34.208 USD, tiến sĩ là 59.121 USD). Đến thời điểm này, đã có gần 400 ứng viên hoàn thành chương trình học và quay về địa phương công tác nhưng cũng có không ít người không thực hiện đúng cam kết.
Ông Trần Ngọc Phi Long, từng làm Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế thuộc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, là cán bộ nguồn được TP Cần Thơ đưa đi học thạc sĩ chuyên ngành quản lý quan hệ quốc tế tại Anh. Kinh phí học tập của ông Long khoảng 300 triệu đồng, học trong vòng 30 tháng. Sau khi về nước, ông Long trở lại đơn vị làm việc. Đến năm 2014, ông Long được cơ quan cử đi Mỹ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn 13 ngày theo chương trình hợp tác của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Đến ngày về, ông Long tự ý tách đoàn, ở lại Mỹ. Sau đó, ông gửi thư bằng đường bưu điện về Sở Ngoại vụ xin nghỉ việc với lý do gia đình và sức khỏe. Và đến nay, ít ai biết thông tin về ông Long, kể cả họ hàng. Một nguồn tin cho hay có thể sau khi ở lại Mỹ, ông Long học lên tiến sĩ bằng học bổng tự “săn” và tìm cách định cư ở nước ngoài.
Ông Doãn Minh Đăng cũng là cán bộ được cử đi học và sau khi về nước, ông được phân công làm Phó trưởng Khoa Điện - Điện tử - Viễn thông tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Tuy nhiên, tháng 11-2015, trong quá trình làm việc, ông Đăng có lập một website nói rằng mình bị gây khó dễ trong việc tham gia các hoạt động khoa học. Vào tháng 3-2015, ông Đăng xin phép trưởng khoa (qua email) đi Hà Nội dự hội nghị khoa học. Từ vụ việc này, ban giám hiệu nhà trường đã phê phán tinh thần kỷ luật của ông Đăng và ra thông báo tạm ngưng công việc của ông Đăng. Hiện nay, ông Đăng đã rời khỏi trường và đền bù kinh phí đào tạo cho địa phương để ra ngoài tìm việc.
Ông Nguyễn Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết TP Cần Thơ đưa đi đào tạo được 121 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Hiện nay đã về nước 115 người; 2 người ở lại nước ngoài để học tiếp lên tiến sĩ do tìm được học bổng; 3 trường hợp không về và gia đình đang làm thủ tục bồi thường kinh phí đào tạo; 1 trường hợp không liên lạc được, đang nhờ cơ quan lãnh sự và trong nước truy tìm. “Trong số các trường hợp đã về nước thì có 5 người không thực hiện đúng nghĩa vụ như cam kết, “nhảy” ra ngoài làm. Trong đó có nguyên nhân học không đúng chuyên ngành nên chán nản và bỏ việc” - ông Trung nói.
Đa số ở lại nước ngoài
Tại TP Đà Nẵng, đã có 629 lượt học viên được cử đi học theo Đề án 922 của địa phương (Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao). Điều tréo ngoe là Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng đã phải tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo xử lý vi phạm hợp đồng và xin ra khỏi đề án 83 người (44 xin ra khỏi đề án, 39 vi phạm hợp đồng); thậm chí trung tâm này còn khởi kiện ra tòa án dân sự 13 vụ để đòi bồi hoàn 20 tỉ đồng cho ngân sách.
Theo một lãnh đạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân các học viên rời bỏ đề án nhưng chủ yếu do họ ở lại công tác tại nước ngoài vì điều kiện tốt hơn, cũng có một số trường hợp về Đà Nẵng làm việc và sau đó xin ra ngoài.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số “nhân tài” được đưa đi đào tạo với chuyên ngành không phù hợp. Ông Ngô Đức Hùng (ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cha của học viên Ngô Thị Mạnh Linh, cho biết sở dĩ con gái ông ở lại Pháp làm việc là do chuyên ngành đào tạo của Linh không phù hợp khi về làm việc tại TP Đà Nẵng. Cụ thể, chị Linh được đưa sang Pháp học chuyên ngành quản lý hành chính công nhưng trường không có ngành học này nên chuyển sang học chuyên ngành kiểm toán quốc tế. Khi học xong, TP Đà Nẵng không có nhu cầu sử dụng nhân sự chuyên ngành này nên gia đình xin cho chị Linh ra khỏi đề án, hoàn lại tiền.
Ông Phan Minh Sỹ (ngụ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), cha của học viên Phan Minh Tiến, cho biết con trai ông vừa hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thông tin ở Pháp. Anh Tiến được TP Đà Nẵng đưa đi đào tạo vào năm 2006 theo Đề án 922, sau đó anh Tiến có nguyện vọng ở lại học tiếp lên cao hơn để tìm việc nên đã chủ động xin ra khỏi đề án, chấp nhận bồi hoàn hơn 1 tỉ đồng.
Kỳ tới: Thu nhập thấp, cơ chế trói buộc
Còn cục bộ địa phương
Theo bà Nguyễn Thị Tô Châu, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Điều hành Chương trình Tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, qua 10 năm (2006-2015) triển khai 2 chương trình này đã tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn giỏi, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị TP. Trong đó riêng chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đã đào tạo được 577 người (44 tiến sĩ, 533 thạc sĩ).
Tuy nhiên, kết quả thực hiện 2 chương trình còn một số mặt hạn chế. Cụ thể, ban tổ chức một số đơn vị tham mưu chưa tốt cho cấp ủy trong công tác tiếp nhận và bố trí cán bộ; tính cục bộ địa phương trong tiếp nhận cán bộ còn tồn tại; công tác rà soát đội ngũ cán bộ trong chỉ tiêu biên chế được giao để có kế hoạch tiếp nhận cán bộ trẻ chưa được quan tâm chủ động thực hiện. Hầu hết các địa phương, đơn vị đều báo cáo hiện nay và trong những năm tới, việc tiếp nhận cán bộ chương trình khó thực hiện do hết chỉ tiêu biên chế. Việc bố trí công tác cho cán bộ trẻ kéo dài vì nhiều trường hợp phải giới thiệu bố trí nhiều lần đến nhiều cơ quan, đơn vị...
Phan Anh
Bình luận (0)