Ngày 11-5, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ Công an, 5 mạng di động là Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel đã ký cam kết chặn tin nhắn rác (TNR) từ ngày 1-7. Đáng chú ý, theo cam kết thì người đứng đầu các nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước bộ trưởng Bộ TT-TT về việc thực hiện.
Ngày càng tinh vi
Thay mặt lãnh đạo Bộ TT-TT, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia (VNCERT) Nguyễn Khắc Lịch cho biết các nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn TNR, trong đó có việc khóa dịch vụ, thu hồi gần 20 triệu sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối (sim rác). Tuy nhiên, TNR vẫn tồn tại khá phổ biến và có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp. Vì vậy, bản cam kết mà 5 nhà mạng cùng ký có hướng tiếp cận mới, phối hợp tăng cường ngăn chặn TNR. Cụ thể, các nhà mạng sẽ xây dựng tập mẫu TNR của từng nhà mạng và tổng hợp để thống nhất dùng chung, cập nhật liên tục để huấn luyện cho các hệ thống chặn TNR thông minh của từng mạng. Qua đó, kết hợp được năng lực của tất cả hệ thống và biện pháp ngăn chặn TNR của các nhà mạng.
Các nhà mạng sẽ phải nâng cấp, đầu tư mới các hệ thống chặn lọc TNR thông minh, kết hợp sử dụng tập mẫu dùng chung để ngăn chặn những hành vi, chiêu thức biến hóa liên tục của các đối tượng phát tán TNR. Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho biết thêm là bộ này sẽ công bố chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả ngăn chặn TNR dựa trên các số liệu phản ánh của khách hàng và số liệu từ các hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng.
Đáng chú ý, Bộ TT-TT sẽ lập đoàn kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện cam kết của các nhà mạng.
Đại diện 5 nhà mạng bắt tay cam kết chặn tin nhắn rác
Phản ánh tới đầu số 456
Trả lời câu hỏi về giá trị TNR trong tổng doanh thu từ dịch vụ tin nhắn mà các nhà mạng thu được, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Mạnh Cường cho biết chưa có con số cung cấp ngay nhưng VNPT VinaPhone trong những tháng đầu năm đã chặn được khoảng 90% TNR với khoảng 9 triệu tin. Ông Cường thừa nhận mạng này vẫn còn khoảng 1 triệu TNR mỗi tháng. Phó Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn thông tin nhà mạng này đã chặn được khoảng 160 triệu TNR, tương đương 50 tỉ đồng và thực tế TNR vẫn tồn tại.
Ông Nguyễn Khắc Lịch cho hay một trong những nguyên nhân còn nạn TNR là do chưa có sự thống nhất về tiêu chí nhận diện TNR; các hệ thống, biện pháp chặn lọc của các nhà mạng còn chưa đồng đều cũng như chưa có cơ chế phối họp chặn, lọc TNR liên mạng. Thời gian qua, Bộ TT-TT đã yêu cầu các nhà mạng báo cáo về hiện trạng các hệ thống chặn lọc TNR, qua đó thấy rằng đối với các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone thì các hệ thống chặn lọc đã và đang được đầu tư nâng cấp những hệ thống chặn lọc thông minh để sẵn sàng đáp ứng cho việc thực thi cam kết.Quá trình chuẩn bị, chạy thử nghiệm này sẽ mất 2 tháng. Hai nhà mạng còn lại là Gtel và Vietnamobile đang trong quá trình triển khai đầu tư hệ thống. Các hệ thống ngăn chặn TNR của các nhà mạng thống nhất chính thức sử dụng từ ngày 1-7.
Về việc nhiều doanh nghiệp đã chặn TNR theo từ khóa nhưng đội quân spam thuê luôn nghĩ ra cách để lách như chỉ dùng 1 số điện thoại để nhắn cho 1 thuê bao khách hàng, ông Lịch khuyến nghị thông qua các đầu số phản ánh TNR (tổng đài 456) của Bộ TT-TT cùng các đầu số phản ánh TNR của từng nhà mạng, người dân sẽ là một thành tố quan trọng góp phần đắc lực cho việc ngăn chặn đối tượng phát tán TNR. Việc phản ánh tới đầu số 456 hoàn toàn miễn phí và áp dụng tới tất cả các nhà mạng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Hoàng Sơn cho biết TNR "1 chọi 1" - phương thức mà nhiều doanh nghiệp muốn bán sản phẩm hiện nay áp dụng là dùng 1 sim rác nhắn tin bán nhà, đất… đến 1 thuê bao duy nhất như là một người quen - nhà mạng không thể làm gì để ngăn chặn trước. Vì vậy, sau khi nhận được TNR loại này khách hàng có thể phản ánh ngay đến nhà mạng hoặc tổng đài 456 để đưa vào diện spam ngăn chặn.
Sim rác cũng là nguyên nhân
VNCERT cho hay năm 2016, trung tâm này ghi nhận được 591.427 lượt phản ánh TNR, giảm 18% so số lượng ghi nhận được trong năm 2015. Trong đó, lượng phản ánh TNR cho dịch vụ nội dung chiếm khoảng 35%; dịch vụ bất động sản chiếm khoảng 20,6%; quảng cáo sim số đẹp chiếm khoảng 13,1% và hơn 31% còn lại là các loại thông tin khác.
Theo ghi nhận tại đầu số phản ánh TNR 456 và hệ thống của các nhà mạng, tình hình phát tán TNR vào những tháng cuối năm 2016 giảm tương đối, trung bình 80% nhưng trong 3 tháng đầu năm nay tăng lại. Điều này cho thấy sim rác là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát tán TNR. "Lãnh đạo Bộ TT-TT rất quyết tâm, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động phải thực sự vào cuộc nhằm ngăn chặn một cách triệt để vấn nạn TNR. Đồng thời, đợt này, TNR sẽ là một trong những tiêu chí để Bộ TT-TT đánh giá chất lượng dịch vụ viễn thông của các nhà mạng" - ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết.
Bình luận (0)