Nỗ lực vì sự đồng thuận
Cánh phóng viên đối ngoại hẳn không quên cuộc họp báo quốc tế đầu tiên vào tháng 5-2014 về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Trong những ngày “biển Đông dậy sóng”, phòng họp báo cũng sôi sục bởi hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế với những câu hỏi dồn dập. Giữa không khí nóng bỏng của buổi họp báo, hình ảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, tuyên bố lập trường từ Ủy ban Biên giới quốc gia... cùng phong thái bình tĩnh, kiên quyết và sắc bén của người điều hành buổi họp báo - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình - đã đưa đến cho báo giới cũng như dư luận trong nước và quốc tế thông điệp rõ ràng về quan điểm chính nghĩa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình chủ trì một buổi họp báo Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Võ sư Lê Hải Bình trên sàn tập võ Vovinam Ảnh: QUANG LIÊM
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, một trong những người “đồng hành” của người phát ngôn trong các cuộc họp báo nóng bỏng trên - nhận xét: “Ông Bình là người nhạy bén, nghiên cứu kỹ và nắm chắc vấn đề, trước ý kiến của phóng viên trong và ngoài nước với những vấn đề nhạy cảm và phức tạp, ông đã có những ứng xử phù hợp, đáp ứng được thực tế rất phức tạp và yêu cầu cao”. Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, nhận xét thêm: “Công tác chuẩn bị, phong thái và cách trả lời của ông Bình khiến chúng tôi vào họp báo rất an tâm”.
Là người phát ngôn Bộ Ngoại giao trẻ nhất trong lịch sử (vừa được bổ nhiệm vào vị trí này vào tháng 2-2014 khi mới 37 tuổi) đã đối mặt với vụ việc phức tạp nhất từ nhiều năm qua, ông Lê Hải Bình tâm sự: “Công việc nhiều, áp lực lớn song chúng tôi vẫn động viên nhau dù có làm gì cũng không thể bằng các anh em cảnh sát biển, kiểm ngư đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió, vừa hiểm nguy vất vả vừa phải rất kiên gan, không mắc mưu kích động. Cứ nghĩ như thế lại có thêm sức lực để giải quyết mọi công việc bất kể ngày đêm.
Lòng yêu nước nồng nàn và sâu sắc đòi hỏi chúng ta vừa nguyện đem hết sức mình để bảo vệ chủ quyền đất nước vừa hết sức bình tĩnh để xử lý một cách thấu đáo, sao cho trong ấm ngoài êm, bởi lẽ giữ gìn môi trường hòa bình để đất nước phát triển cũng là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Tinh thần của cả dân tộc, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao, của lãnh đạo bộ đã là chỗ dựa vững chắc giúp chúng tôi quyết tâm xử lý khối công việc lớn và phức tạp, góp phần vào nỗ lực chung của cả nước”.
Trăn trở trước những tình huống người dân kỳ vọng đại diện của nhà nước phải đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn nhưng những phát ngôn đều phải dựa trên nguyên tắc và dừng lại ở mức độ nhất định, ông Bình chia sẻ: “Quan điểm chính thức của một quốc gia phải bảo đảm được cao nhất lợi ích dân tộc. Có thể khẳng định các phát ngôn đều đã được cân nhắc kỹ càng mọi lợi hại, trước mắt và lâu dài. Trong bối cảnh các mối quan hệ đối ngoại đan xen hết sức phức tạp hiện nay, càng cần phải cân nhắc trước sau, ngang dọc. Bởi vậy, chúng tôi mong nhất là có được sự đồng cảm, chia sẻ để chúng ta có được sự đồng thuận cao nhất, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
“Võ học giúp tôi thăng bằng”
Tôi có mặt tại câu lạc bộ Vovinam - Việt võ đạo ở Học viện Ngoại giao trong một buổi tối giá rét của mùa đông Hà Nội. Hơn 120 võ sinh đang say mê luyện tập. Ở đây, các em gọi người phát ngôn Lê Hải Bình theo một cách khác, đơn giản mà kính trọng: “Thầy Bình”.
Ông Bình học võ từ bé khi còn ở Nha Trang, đã tập nhiều môn võ trước khi quyết định gắn bó với Vovinam, đạt Hồng đai nhất đẳng (tương đương đai đen năm đẳng quốc tế). Sau gần 10 năm dạy võ, “thầy Bình” đã có tới hơn ngàn học trò, là Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Hà Nội, đồng thời là Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam quốc gia.
Lý giải về việc dù rất bận nhưng vẫn đều đặn đi dạy võ 5 buổi mỗi tuần, ông Bình tâm sự: “Tôi đam mê võ, với hàm ý cả võ thuật và võ đạo. Tập và dạy võ có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của tôi. Sau những giờ làm việc căng thẳng và áp lực, việc dạy võ cho các môn sinh, giảng giải những gì các em còn chưa rõ về đất nước, về con người, về cuộc sống thực sự giúp tôi có được thăng bằng, sức lực để hoàn thành tốt công việc”.
Người phát ngôn cũng cho biết chính việc tiếp xúc với các em, trong đó nhiều em đến từ những miền quê xa, giúp ông hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có những kiến nghị, đề xuất đối với công tác thông tin, báo chí. “Những lúc khó khăn hay áp lực, việc tập võ lâu năm giúp tôi giữ được sự bình tĩnh và tự tin, phản xạ linh hoạt trước những câu hỏi thiên hình vạn trạng của phóng viên” - ông Bình cho biết thêm.
Là một nhà ngoại giao trẻ, tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế, ông Lê Hải Bình cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao phụ trách công tác thanh niên. Ông tâm sự: “Với thanh niên, điều cần thiết nhất là sống có niềm tin. Vị “tư lệnh” ngành hiện nay, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, luôn căn dặn cánh trẻ chúng tôi phải liên tục trau dồi vốn kiến thức cả về văn hóa dân tộc và quốc tế, tích cực học hỏi, “ôn cố tri tân”, nhất là làm sao áp dụng các bài học về đối ngoại mà cha ông ta để lại”.
Là người giàu cảm xúc, thích đọc sách, thích đi đây đó, người phát ngôn trẻ tuổi đã ghi lại nhiều chặng đường mình đi qua bằng thơ. Có lẽ những dòng thơ ông viết khi tới Trường Sa sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn ánh mắt như có lửa của người phát ngôn trong những ngày biển Đông dậy sóng:
Anh kể em nghe chuyện sóng Trường Sa
Dịu dàng vỗ thân tàu như bàn tay Mẹ
Ru anh ngủ yên cánh nôi ngày thơ bé
Sóng bạc đầu như tóc Mẹ điểm sương
Chuyện gió Trường Sa thổi suốt đêm trường
Như tay quạt của Cha ngày xưa gian khó
Vun vút như roi - nghiêm trang lời dạy dỗ
Gió lộng bốn mùa như nghĩa Mẹ, tình Cha
……
Em biết không người lính Trường Sa
Trong giông bão vẫn không rời tay súng
Trước kẻ thù chẳng bao giờ nao núng
Nắm bàn tay em gái nhỏ - bỗng run run
Có anh lính Trường Sa nhớ quê hương
Chẳng về kịp khi biết tin bà mất
Quặn thắt tim anh, súng trên vai đứng gác
Nước mắt lăn thầm, anh lặng hát: Nội tôi....
Anh kể em nghe chuyện con tàu xa khơi
Gió giật, sóng xô, tàu vượt qua giông tố
Giường chật - anh nghiêng giữa hai đầu nỗi nhớ
Da diết nhớ đất liền - khắc khoải nhớ Trường Sa
Nhớ đảo hiên ngang trước mỗi cơn bão qua
Nhớ cơn gió, hạt mưa, nhớ biển Đông mùa hạ
Mai mốt về đất liền, vẫn chòng chành đến lạ
Dường như tim mình mãi đập nhịp Trường Sa!
Bình luận (0)