Nghiên cứu này được thực hiện thông qua việc phỏng vấn 749 bác sĩ Bệnh viện tuyến huyện và 251 bác sĩ/y sĩ tuyến xã tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Định, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, khu vực nông thôn Hà Nội. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các câu hỏi và quan sát chẩn đoán, điều trị, kê đơn của các bác sĩ tuyến huyện và xã về 5 bệnh cơ bản thường gặp, gồm: tiêu chảy trẻ em, viêm phổi trẻ em, lao, tiểu đường type 2, tăng huyết áp. Kết quả, chỉ 3% bác sĩ được hỏi có khả năng chẩn đoán đúng cả 5 bệnh, đúng 4 bệnh là 48%, đúng 3 bệnh là 36%, 2 bệnh là 11%.
Nhiều cơ sở y tế tuyến cơ sở đã nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để giữ chân người bệnh
Cũng theo nhóm nghiên cứu, do thiếu kiến thức, khám lâm sàng chưa đầy đủ đã dẫn tới kết quả khám bệnh cũng ảnh hưởng. Cụ thể, bệnh tăng huyết áp độ 1 tỉ lệ chẩn đoán sai là 19%, tỉ lệ này ở bệnh đái tháo đường type 2 là 14%, tiêu chảy trẻ em: 12%, lao: 9%, viêm phổi trẻ em: 3%. Đặc biệt, bệnh tiêu chảy trẻ em chỉ có 6% chẩn đoán đúng hoàn toàn, 81% đúng một phần.
Đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho rằng tỉ lệ các bác sĩ chẩn đoán đúng thì cao nhưng không chắc đã chỉ định điều trị đúng. Đơn cử, bệnh viêm phổi trẻ em có gần 48% bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị chưa đúng dù tỉ lệ chẩn đoán đúng tới 96%-97%. Theo ông Olusoji Adeyi, Giám đốc Lĩnh vực Y tế dinh dưỡng và Dân số - Ngân hàng Thế giới, qua quan sát, hỏi bác sĩ và bệnh nhân, có một thực tế các bác sĩ tuyến xã thực hành gần hết những gì họ đã trả lời, các bác sĩ tuyến huyện ít thực hành và chủ yếu dựa vào các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp...
Bình luận (0)