Ngày 1-3, đoàn kiểm tra công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng do Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan dẫn đầu đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Từ một trường hợp phản ánh cụ thể qua đường dây nóng, ông Hoan đặt ra câu chuyện trách nhiệm của cán bộ, công chức khi xử lý các vấn đề của dân.
Cán bộ… có vấn đề!
Đó là trường hợp của chị H. ở Tân Bình. Chị H. có đơn phản ánh gửi Sở TN-MT tố cáo UBND quận Tân Bình cấu kết để chiếm đoạt tài sản của người dân. Theo đó, năm 2014, chị H. bán nhà cho ông T. Ngày 2-10-2014 thì giấy tờ công chứng xong. Ngày 3-10-2014, ba của chị H. lên huyết áp nên không đến làm thủ tục được.
Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, ba chị H. nộp giấy vô đơn vị thuế để có chứng từ nộp qua Sở TN-MT thì 15 giờ, chủ quyền nhà đã đứng tên ông T. trong khi ông T. chưa giao tiền cho chị H.
Đơn phản ánh của chị H. cũng cho biết ngày 2-10-2014, hai bên mới giao dịch nhưng ngày 30-9-2014, ông Trương Công Định, cán bộ TN-MT, đã ra sẵn thủ tục. Khi chị H. đi kiện thì bộ phận này đẩy trách nhiệm qua bộ phận khác.
Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan (bìa phải) yêu cầu chấn chỉnh lại cán bộ ngành & tài nguyên và môi trường
Báo cáo về trường hợp trên, Sở TN-MT cho biết khi nhận phản ánh của chị H., ngày 7-3-2016, giám đốc Sở TN-MT đã tiếp ba chị H. Tại buổi làm việc, giám đốc sở đã hướng dẫn, giải thích và có hướng giải quyết được ba chị H. đồng ý. Song song đó, sở đã có công văn gửi TAND quận Tân Bình đề nghị sớm giải quyết vụ án dân sự, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất theo đơn kiện của ba chị H.
Từ câu chuyện trên, ông Hoan đặt ngay vấn đề: Mình xem lại nội bộ mình có gì hay không? Tại sao nhanh tay nhanh chân như thế trong khi người ta chưa giao tiền mà đã có giấy tờ nhà rồi, giấy tờ đã sang tên rồi. Sao giấy tờ lại chuẩn bị nhanh đến mức độ như vậy để cuối cùng tòa xử thu hồi lại giấy tờ đó.
Ông Hoan hỏi thêm: Ông Trương Công Định là đồng chí nào, có vấn đề gì trong này không? Tại sao đưa vụ việc này ra tòa và cuối cùng hủy giấy chứng nhận? Trách nhiệm cán bộ, công chức mình ở đây là sao khi để thiệt hại quyền lợi của người dân.
“Giải quyết như vậy dân thỏa mãn rồi nhưng đối với nội bộ của mình thì sao, mình đã giải quyết như thế nào? Các đồng chí phải lưu ý, thử tìm lại coi có vấn đề gì không? Mình đã xử cán bộ của mình tới chưa hay vẫn còn nằm im đó. Nếu mình xác định lỗi của mình thì phải sửa. Phải xử lý tới cùng trách nhiệm của cán bộ, công chức: nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì cách chức” - ông Hoan yêu cầu.
Làm vậy ai dám tố?
Câu chuyện chị N. ở quận 8 phản ánh xe bồn thông cống công cộng thuộc Xí nghiệp Thoát nước số 4, Xí nghiệp Thoát nước số 5 (trực thuộc Công ty Thoát nước đô thị TP) cũng được ông Hoan đưa ra bàn luận để rút kinh nghiệm khi xử lý các phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Theo chị N., các xe bồn đã hút nước thải Bệnh viện Chợ Rẫy, hút hầm cầu khách sạn Caravelle, sau đó đem xả trộm trên địa bàn quận 5.
Đại diện Phòng Quản lý chất thải rắn cho biết từ phản ánh chị N., phòng đã trực tiếp xuống gặp để chị cung cấp thêm thông tin. Sau buổi làm việc, Sở TN-MT có 2 văn bản phản hồi: một cho chị N., một cho Công ty Thoát nước đô thị TP đề nghị rà soát, kiểm tra thông tin phản ánh của chị N. và có báo cáo gửi về sở.
“Theo phản hồi của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, khi làm việc với Xí nghiệp Thoát nước số 4, Xí nghiệp Thoát nước số 5, hai đơn vị này khẳng định không có chuyện đó xảy ra. Công ty trực tiếp gọi điện cho chị N. cung cấp thông tin nhưng chị N. từ chối và cho biết không cung cấp thông tin như vậy cho Sở TN-MT. Ở đây có sự không nhất quán của người phản ánh thông tin” - đại diện Phòng Quản lý chất thải rắn cho biết.
Nghe đến đây, ông Hoan nói ngay: “Các bạn xử lý vậy là chưa được. Trong quy chế phản hồi tiếp nhận thông tin có một điều là “cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin qua đường dây nóng được bảo đảm giữ bí mật về danh tính và địa chỉ”. Các đồng chí để đối tượng bị phản ánh làm việc với người phản ánh sao được. Cho nên dân không lên là phải, chị N. hiền chứ gặp người khác là người ta cự”.
Từ câu chuyện trên, ông Hoan yêu cầu tất cả cán bộ tham gia tiếp nhận đường dây nóng phải biết xử lý vấn đề phù hợp với pháp luật đồng thời tôn trọng dân. Ông Hoan nhắc giải quyết thông tin đường dây nóng không phải anh đúng tôi sai mà khi dân phản ánh phải tiếp thu, tích cực giải quyết có hiệu quả. Thông tin người dân phản ánh có thì xử đến nơi đến chốn, không có thì cũng cảm ơn. Tiếp nhận đường dây nóng phải hết sức linh hoạt, cầu thị, mềm mỏng.
Đã giải quyết 172/177 thông tin phản ánh
Trước đó, báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Trần Văn Thạch cho biết sau hơn 1 năm tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng, sở tiếp nhận 177 thông tin phản ánh, đã giải quyết 172/177 thông tin, đang xử lý 5/177 thông tin, chủ yếu liên quan đến khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai. Ông Thạch đánh giá bên cạnh sự thuận lợi thì cũng có nhiều khó khăn. Đó là nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai không thể giải quyết theo thời hạn quy định.
Bình luận (0)