Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước được Quốc hội thông qua từ năm 2009, sau 7 năm thi hành, nay đã lạc lõng trước xu thế mới là đề cao quyền con người, minh bạch và sòng phẳng trách nhiệm đền bù của nhà nước đối với các cá nhân do hoạt động công vụ gây ra.
Sau những án oan chấn động cả nước như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Phan Văn Lá (Long An), Trần Văn Thêm (Bắc Ninh)…, việc sửa đổi luật này trở nên cấp thiết hơn bởi tồn tại quá nhiều bất cập trong quy định giải quyết bồi thường oan sai. Những người bị oan luôn ở thế thấp cổ bé miệng nhưng luật quy định để làm cơ sở bồi thường oan sai thì phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại. Chính cơ quan nhà nước có cán bộ gây oan sai ấy chây ì, né tránh việc ra văn bản thì người bị oan làm gì được? Éo le hơn, luật quy định người bị thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh về thiệt hại thực tế đã xảy ra… Làm được việc này, với những người bị cầm tù hàng chục năm, còn khó hơn lên trời! Như ông Huỳnh Văn Nén, bị giam oan 17 năm, gia đình xiêu tán, sức khỏe sa sút tệ hại, người cha già của ông quanh năm suốt tháng ôm đơn đi kêu cứu. Tổn thất vật chất và tinh thần biết bao nhiêu mà kể, lấy đâu ra hóa đơn, chứng từ hay tài liệu để chứng minh cho những mất mát ấy (?!). Cũng bởi vì thế mà cả 3 lần thương lượng để TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường cho gia đình ông Nén đều bất thành. Có ai đi tù mà sẵn tâm thế thu thập, lưu giữ hóa đơn - chứng từ, các cán bộ thực thi công vụ hãy chỉ giùm!
Một tình trạng đáng buồn nữa là hầu hết các cuộc xin lỗi người bị oan do cơ quan tư pháp tổ chức được thực hiện sơ sài, thiếu thành tâm. “Người bị oan cũng thấy hành vi xin lỗi còn chiếu lệ. Làm oan người ta trong cả thời gian dài nhưng xin lỗi trong một hai phút” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga, nói tại buổi làm việc kể trên.
Từ chuyện thương lượng bồi thường dùng dằng đến việc tổ chức xin lỗi qua quýt của cơ quan gây oan sai, có thể nói đó cũng là cách xát muối vào vết thương của người bị hàm oan một lần nữa.
Nghịch lý hơn, dù luật quy định rõ ai gây oan sai phải bỏ tiền túi ra đền nhưng hầu như tiền giải quyết hậu quả các vụ án oan từ trước đến nay đều phải “tạm ứng” từ nguồn ngân sách!
Trong xã hội pháp quyền, luật pháp được thượng tôn bởi các yếu tố nghiêm minh, bình đẳng, nhân văn. Như Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, đã sơ hở và nhiều bất cập thì không thể được thực hiện nghiêm túc, công bằng. Tất cả những trường hợp tương tự như trường hợp này cần phải được giải quyết thật sớm, triệt để.
Bình luận (0)