Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do tại châu Á: Hợp tác quốc tế và thượng tôn pháp luật” do Đại sứ quán Nhật, Đại sứ quán Anh và Học viện Ngoại giao tổ chức đã diễn ra ở Hà Nội ngày 29-11 với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ Nhật, Anh, Trung Quốc...
Giải quyết xung đột bằng luật pháp quốc tế
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất: cần áp dụng các giá trị thượng tôn pháp luật để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, đặc biệt là biển Đông và Hoa Đông.
Mặc dù cho rằng tình hình tại biển Đông và Hoa Đông hiện nay dường như trở nên hòa dịu hơn song các đại biểu nhấn mạnh vẫn còn nhiều xung đột. Để giải quyết vấn đề này, cần lập ra những cơ chế pháp lý có thể thúc đẩy việc giải quyết bất đồng. Rất nhiều đại biểu đề cập đến phán quyết được đưa ra ngày 12-7 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến biển Đông.
“Khi phán quyết của Tòa Trọng tài được đưa ra, có ý kiến cho rằng công lý đã được thực thi và nó cũng khuyến khích sự phát triển của toàn thế giới. Các phán quyết của tòa án là cuối cùng và cần được tuân thủ, do vậy, Trung Quốc và Philippines nên tuân theo phán quyết. Đồng thời, chúng ta cần đối thoại chặt chẽ với những quốc gia có liên quan đến vụ kiện như các nước ASEAN hay Việt Nam, như thế vấn đề sẽ được thấu hiểu và thực thi chặt chẽ” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kawamura nói.
PGS Luật quốc tế Kentaro Nishimoto, đến từ ĐH Tohoku (Nhật Bản), cho rằng phán quyết đã phân định rõ phạm vi về quyền của các bên theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đưa ra cơ sở chung cho hoạt động của các bên trong tương lai với một quan điểm công bằng. Cả hai bên trong vụ kiện đều buộc phải tuân thủ phán quyết mang tính ràng buộc này.
Trước ý kiến của một đại biểu Trung Quốc cho rằng chỉ cần nỗ lực song phương giải quyết mâu thuẫn tranh chấp là đủ, Phó Đại sứ Anh Steph Lysaght nhấn mạnh hướng tới vùng biển tự do châu Á, vấn đề thượng tôn pháp luật là trọng tâm. Cần thảo luận xây dựng một thể chế dựa trên thượng tôn pháp luật quốc tế. “Việc tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật và UNCLOS là vô cùng quan trọng. Luật pháp quốc tế là chìa khóa để giải quyết xung đột” - ông khẳng định.
Đồng quan điểm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kawamura lưu ý lợi ích của các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực không phải mang tính chất song phương mà mang tính chất đa phương và phải có những nỗ lực đa phương để giải quyết các tranh chấp này.
Bốn giải pháp
Đại diện cho quốc gia mà tự do hàng hải có tác động quan trọng đối với sự sinh tồn của đất nước khi 90% hàng hóa và 60% khí gas Nhật Bản sử dụng đều được nhập khẩu và vận chuyển qua đường biển Đông và Hoa Đông, ông Kawamura nêu lên 4 giải pháp cho vấn đề.
Trước tiên, ông khẳng định phán quyết được Tòa Trọng tài đưa ra trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc mang tính cuối cùng và ràng buộc đối với các bên liên quan. Thứ hai, cần thúc đẩy sự thống nhất và đoàn kết giữa các nước ASEAN trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các công ước quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và thông qua các cơ chế ngoại giao. Về vấn đề an ninh biển, Nhật Bản đã ủng hộ ASEAN tăng cường năng lực thực thi chấp pháp trên biển, sâu xa cần phải có những cơ chế mở rộng đối thoại với Trung Quốc để lãnh đạo hai bên có thể nỗ lực cải thiện tổng thể mối quan hệ. Cuối cùng, cần có đối thoại chiến lược với mạng lưới truyền thông.
“Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi, bất an trong tình hình khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong tình hình này, liên minh Mỹ - Nhật vẫn tiếp tục đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì an ninh, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản sẽ làm việc chặt chẽ với Mỹ để có thể tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định.
Nhắc đến việc cách đây 2 tuần, Thủ tướng Nhật đã tới New York và có cuộc họp không chính thức với Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, ông đánh giá đây là một bước phát triển mới để thiết lập mối quan hệ cho những năm tiếp theo.
Nhật Bản hỗ trợ các nước ASEAN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Nhật Bản đang hỗ trợ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, về nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Sau khi cung cấp 6 tàu cho Việt Nam, Thủ tướng Shinzo Abe đã nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Nhật Bản sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần tra mới. “Ngoài cung cấp tàu, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp radar, máy phát điện… và hoàn thành việc này vào cuối tháng 3 năm sau” - ông Kawamura nói. Nhật đã có thỏa thuận cung cấp cho Philippines 12 tàu tuần duyên, Malaysia và Indonesia cũng được hỗ trợ tương tự.
Bình luận (0)