Sáng sớm nay 31-8, tại trại giam Thanh Xuân (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), 299 phạm nhân được đặc xá trong dịp này không khỏi hồi hộp, ngồi mong ngóng tới giờ thực hiện thủ tục từng phút.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, Đại tá Hoàng Văn Hiệp, Giám thị trại giam Thanh Xuân, cho biết thực hiện theo quyết định của Chủ tịch nước, trại giam đã có 299 phạm nhân được Hội đồng tư vấn đặc xá và Chủ tịch nước quyết định đủ điều kiện được đặc xá tha tù trước hạn.
Trong số này có 147 người là nữ, 12 người mang quốc tịch nước ngoài (5 người Trung Quốc, 5 người Lào và 2 người Malaysia).
Từ 6 giờ 30 phút sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương năm 2015, đã tới giam Thanh Xuân để kiểm tra, giám sát việc đặc xá tha tù trước hạn tại đây.
Nói chuyện với phạm nhân được đặc xá tại trại giam Thanh Xuân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đặc xá tha thù trước hạn là chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, nhằm giúp đỡ người có lỗi lầm trở về tái hòa nhập với cộng động.
Phó Thủ tướng cho biết chính sách đặc xá trong những năm qua đã phát huy hiệu quả, hầu hết những người được tha tù trước hạn đều trở thành những công dân tốt, làm ăn lương thiện, nhiều người đã vươn lên làm giàu.
“Tôi chúc mừng những anh chị em được đặc xá trong đợt này và mong muốn mọi người tự tin xóa bỏ mặc cảm để trở về với gia đình, cố gắng để làm những người chồng, người cha, người mẹ thật tốt tiếp túc đóng góp đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu chính quyền địa phương, các cấp các ngành phải đặc biệt quan tâm, giúp đỡ cho những người đặc xá. Trước tiên là động viên giúp đỡ họ xóa bỏ mặc cảm, sau đó là tạo điều kiện cho họ về việc làm để nhanh chóng tái hòa nhập cộng động.
Sau phần công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, ban tổ chức đã thực hiện các thủ tục khác để trả tự do cho phạm nhân. Các phạm nhân được cấp giấy chứng nhận đặc xá, được cấp chi phí tàu xe về quê, quần áo mới.
Một trong những người không giấu được xúc động là anh Đỗ Xuân Thắng (SN 1972 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), bị phạt 7 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chấp hành án được 4 năm thì anh được đặc xá. “Trong thời gian cải tạo tại trại giam Thanh Xuân, tôi sẽ ghi nhớ sự quan tâm giáo dục, cảm hoá của các cán bộ đã giúp đỡ tôi nhận thức được lỗi lầm mà bản thân đã gây ra với xã hội…”- anh Thắng tâm sự.
Tương tự, chị Bùi Ngọc Dung (SN 1983, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngồi ngay hàng ghế đầu với tâm trạng đầy mong ngóng. Chị bị kết án 28 tháng tù về tội Buôn bán ma tuý. Tâm sự với phóng viên, chị cho biết đã có gia đình và 2 con. Con lớn học lớp 5 còn con nhỏ chuẩn bị vào lớp 1. Do cuộc sống khó khăn nên chị mới sa vào con đường tội lỗi.
“Sau hơn 1 năm ngồi tù, tôi đã thấu hiểu thế nào là giá trị cuộc sống rồi. Tôi chỉ mong được về với chồng, các con để làm lại cuộc đời, tìm một việc gì đó để làm” - chị Dung rưng rưng nước mắt. Hôm nay, chồng và các con chị sẽ đến đón chị trở về.
Chị Bùi Ngọc Dung đã sẵn sàng làm lại cuộc đời
Chị Lê Hoàng Yến (25 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chung tâm trạng, cho biết sẽ kiếm một nghề gì đó như trang điểm hoặc một công việc đơn giản, có thu nhập rồi cuộc sống sẽ khấm khá hơn.
Phạm nhân sau khi thay quần áo, nhận giấy chứng nhận sẽ được một số xe ô tô bố trí sẵn đưa về một số địa phương như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hải Dương…
Bên ngoài trại giam, hàng trăm người nhà đến đón những người thân lầm lỗi trở về. Cũng có không ít phạm nhân lầm lũi trở về một mình, không có ai tới đón. Dù được đón hay không, tất cả đều chung một tâm trạng là sẽ cố gắng làm lại cuộc đời.
Dưới đây là một số hình ảnh Báo Người Lao động ghi nhận sáng nay:
Các phạm nhân chờ tới lượt mình được gọi tên nhận quyết định đặc xá
Những phạm nhân khác được trao giấy chứng nhận đã được tự do
Người nhà phạm nhân chờ đợi người thân của mình được trả tự do
Bình luận (0)