Hàng ngàn gia đình khổ nhọc trồng được vườn cao su chưa kịp mừng, nay lại phải đối mặt với biết bao khó khăn. Nhiều hộ vay tiền đầu tư trồng cao su nay không biết lấy gì trả nợ ngân hàng.
Rừng cao su xác xơ sau bão số 9
Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Vui, ngụ tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, mếu máo: “Bốn ha cao su vừa cho khai thác mủ của tôi phút chốc bị bão phá tan tành. Vốn liếng bỏ ra chưa thu về được đồng nào, giờ coi như mất trắng”.
Hàng trăm gia đình ở Vĩnh Thủy có vườn cao su lớn bị gió bão làm gãy sạch. Ông Trần Văn Phong, ông Nguyễn Trữ Thăng chỉ vườn cao su 4-5 ha gần khai thác mủ của mình nằm ngã rạp, nghẹn ngào không thốt nên lời. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, ông Phan Ngọc Nghĩa, cho biết: “Hơn 300 ha cao su của người dân đang thu hoạch ở Vĩnh Thủy bị gãy đổ, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng”.
Vùng Đông huyện Vĩnh Linh có nhiều vườn cao su hư hại nhất. Vườn cao su của ông Hoàng Vĩ ở xã Vĩnh Trung rộng gần 2 ha chỉ còn vài mươi cây. Nhìn cây cối ngổn ngang hư hại, ông Vĩ rầu rĩ: “Gần 5 năm mới tạo lập được vườn cao su, bão vô chỉ 1 giờ đã tan tành, không biết khi mô mới hết đói nghèo...”.
Tại huyện Gio Linh, người trồng cao su tiểu điền cũng bị thiệt hại nặng nề. Ông Trần Chí Nguyện ở xã Trung Sơn tiếc rẻ: “Mấy ngày trước có người đến hỏi mua lại vườn cao su của tôi với giá gần 500 triệu đồng, tôi không bán. Giờ thì cơ nghiệp gầy dựng mấy năm nay coi như mất sạch rồi”.
Bình luận (0)