Người dân đến thắp nhang trên bàn thờ Đại tướng tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
Dân làm thơ tiễn Đại tướng
Ngôi nhà nhỏ của đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy mỗi ngày đón hàng trăm đoàn khách đến thăm viếng và thắp nhang. Căn nhà ba gian đơn sơ, mộc mạc như chính con người của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong dòng người đến thắp nhang, chúng tôi bắt gặp một đôi bạn già tuổi đã ngoài 70. Một trong hai cụ cầm tờ giấy A4 thẳng nếp bên trong là những dòng chữ nắn nót bài thơ tặng Đại tướng. Cụ ông cho biết mình là người làng Tuy Lộc nằm bên bờ sông Kiến Giang nhưng đã có 7 năm làm thầy giáo ở làng An Xá. Ông tên Nguyễn Văn Bồi (SN1946) là cựu giáo viên của trường cấp Tiểu học và THCS Lộc Thủy.
Cụ Bồi cho hay từ ngày đại tướng mất, mỗi ngày ông đều sang nhà để thắp nhang. Riêng về bài thơ viết tặng đại tướng, cụ Bồi làm trong vòng 30 phút sau khi nghe truyền thanh xã báo tin buồn. Bài thơ có tựa đề Để tang trong lòng, được làm theo thể loại lục bát.
Sau khi thắp nhang lên bàn thờ, cụ Bồi lặng lẽ trở lại bàn ghi sổ lưu niệm, nắn nót viết lại bài thơ vào trong với tâm nguyện Đại tướng sẽ nghe được những lời thành khẩn tiếc thương của một người dân Lệ Thủy .
Ông Nguyễn Văn Bồi mang bài thơ đến viếng nhà Đại tướng để tỏ lòng thành kính
Làng An Xá cũng có một Câu lạc bộ thơ được thành lập từ 1996. Hai lần kỷ niệm ngày sinh thứ 90 và 100 tuổi của đại tướng, CLB thơ làng An Xá đã xuất bản hai tập thơ với gần 200 bài. Ông Lê Trung Lương (SN 1931), chủ nhiệm CLB thơ làng An Xá cho biết gần 200 bài thơ trên đều là những vần thơ của chính người dân làng có nội dung bày tỏ lòng mến mộ và ca ngợi công đức của Đại tướng. Ngoài ra, có nhiều tác giả của những bài thơ trên là bạn từ thời thơ ấu của tướng Giáp mừng thọ ông từ quê nhà.
Ông Lương cho hay những bài thơ này đều được đội văn nghệ làng An Xá phổ nhạc rồi biểu diễn vào những ngày lễ hội của làng hay dịp đại tướng về thăm quê.
Ông Lê Trung Lương cho biết đã nhiều lần trực tiếp gặp và được nói chuyện cùng Đại tướng. “Lần nào cũng vậy, bác luôn khuyên dân phải coi trọng giáo dục, siêng năng trồng cây và đặc biệt phải giữ nghề làm chiếu” – Ông Lương chia sẻ.
Ông Lê Trung Lương với tập thơ làng An Xá mừng thọ năm đại tướng 90 tuổi
Lời răn dạy của vị đại tướng đôn hậu luôn khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân làng An Xá cũng như người dân Lệ Thủy. Ông Bồi nhớ lại khoảnh khắc ngắn ngủi của đại tướng khi về thăm trường Lộc Thủy. “Đại tướng nắm tay, ôm hôn các cháu học sinh rồi dặn dò dù có khó khăn đến mấy, thầy và trò cũng phải ra sức dạy dỗ, xứng đáng là người con của quê hương Quảng Bình”. Kể đến đây, ông Bồi đưa tay gạt những dòng lệ vừa tuôn rơi.
Nhắc về nghề làm chiếu ở An Xá, ông Lương cho rằng nó tồn tại được cho đến hôm nay là nhờ một lời khuyên bảo của Đại tướng. Trong lần về thăm quê vào 1994, Đại tướng đã đến thăm nhiều gia đình trong làng An Xá và căn dặn: “Nghề làm chiếu đã nuôi sống làng ta từ mấy trăm năm về trước. Dân làng phải giữ lấy nghề và phát triển để kinh tế bền vững và lo cho con cháu học hành”. Ông Lương cho biết lời dạy ân cần đó như thuộc làu trong tâm trí của người dân An Xá. Chính bởi thế, giữa bao khó khăn, cạnh tranh của thời nay, chiếu An Xá vẫn được nhiều người biết và dùng đến.
Từ chiếc chiếu lác đơn sơ, dân làng An Xá đã biết làm chiếu hoa. Người dân cũng tự trồng cây lác để dệt chiếu để chi phí rẻ hơn, cạnh tranh với các loại chiếu khác trên thị trường. “Mỗi lời căn dặn của đại tướng đều được bà con dân làng khắc cốt ghi tâm. Nghề làm chiếu truyền thống chắc chắc sẽ không bao giờ mai một bởi đó cũng là tâm nguyện của Đại tướng” – Ông Lương trải lòng.
Ngoài răn dạy dân làng hiếu học, giữ nghề, đại tướng còn nhất mực căn dặn phải siêng trồng cây. Đường về làng An Xá chạy dọc theo dòng sông Kiến Giang hai bên cây cối rợp bóng xanh mát. “Bác luôn dạy làng phải siêng năng trồng cây bởi cây cối giữ văn hóa làng, gắn bó với nhân dân” – ông Lương nói.
Nghề dệt chiếu An Xá sẽ được lưu giữ mãi đến ngàn sau nhờ lời răn dạy của Đại tướng
Vị tướng gần gũi, yêu dân
Một trong những điều giản dị của Đại tướng mà người dân làng An Xá nhớ mãi là dù đi xa quê đến đâu khi trở về vẫn giữ chất giọng từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Trong đoàn người dân đến viếng nhang, nhìn di ảnh đại tưởng, bà Lê Thị Khiếu (SN 1949, làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy) bật khóc. Là người làng bên, bà may mắn được chứng kiến nhiều lần Đại tướng về thăm quê hương. “Tôi nhớ như in hình ảnh vị Đại tướng đi thuyền trên sông Kiến Giang và vốc nước sông rửa mặt. Đại tướng sao bình dị và dân dã vậy” - bà Khiếu bồi hồi.
Theo lời kể của bà Khiếu, đại tướng nói sẽ căn dặn trong vòng 10 phút thì y như rằng ông chỉ nói đúng bằng ấy thời gian. “Dù đã xa quê mấy chục năm trời, đại tướng vẫn giữ giọng Lệ Thủy khi nói chuyện với bà con làm ai ai cũng xúc động” – Bà Khiếu xúc động.
Ông Lê Trung Lương cho biết khi hay tin đại tướng mất, ông đã bật khóc. “Dẫu biết tạo hóa là sinh lão bệnh tử nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng đại tướng còn sống được ngày nào là bà con vui ngày đó” – ông Lương tâm sự.
Theo lời nhiều người dân làng An Xá, họ coi tướng Giáp như người thân trong chính gia đình. Hình ảnh vị tướng tài giỏi văn võ song toàn, hiền hậu, thương dân khiến dân làng cảm phục. “Nói về đại tướng mà không tự hào răng được. Mình cũng sinh ra và lớn lên tại nơi chốn nhau cắt rốn của đại tướng. Dân làng này ai cũng tự hào cả. Tự hào vì quê hương đã sinh ra một hiền tài góp công sức lớn lao cho đất nước và khiến cả thế giới phải nể phục, ghi vào sử sách” – ông Lương chia sẻ.
Thắp những nén nhang lòng
“Nếu đó là tâm nguyện của Đại tướng thì người dân Lệ Thủy cũng thỏa lòng. Chắc chắc sẽ rất khó khăn mỗi khi viếng mộ đại tướng vì Đảo Yến, nơi chôn cất đại tướng cách quá xa Lệ Thủy. Thế hệ chúng tôi đã già khó có thể thăm mộ thường xuyên. Thôi thì đành thắp lên những nén nhang lòng mong đại tướng an nghỉ ngàn thu. Với chúng tôi, đại tướng mãi mãi là người được tôn kính, khắc ghi đời đời” – một vị cao niên làng An Xá bày tỏ. |
Bình luận (0)