Ngày 9-6, tại tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ.
Một phần do ngư dân?
Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT cho biết cả nước hiện có 771 tàu cá được đóng mới, nâng cấp đi vào hoạt động và đa số đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những bất cập chủ yếu tập trung vào 18 tàu vỏ thép hạ thủy chưa lâu đã hư hỏng tại Bình Định. Trong đó, 13 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Công ty Nam Triệu, TP Hải Phòng) đóng, còn lại do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Công ty Đại Nguyên Dương, tỉnh Nam Định) đóng.
Trình bày tại hội nghị, ông Trần Minh Vương (ngụ tỉnh Bình Định), chủ tàu BĐ 99027 TS, cho biết hợp đồng với Công ty Đại Nguyên Dương đóng tàu với số tiền hơn 15 tỉ đồng. Theo hợp đồng, vỏ tàu làm bằng thép Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Sau vài chuyến biển, vỏ tàu gỉ sét nhiều, van ống thường xuyên hỏng, ông mời cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện tàu đóng bằng thép Trung Quốc.
Lực lượng chức năng ở Bình Định kiểm tra tàu cá vỏ thép bị hư hỏng Ảnh: Anh Tú
Ông Trương Thưởng, đại diện bán hàng của hãng Mitsubishi tại Việt Nam, cho biết trong 18 tàu vỏ thép ở Bình Định gặp sự cố, có 8 tàu sử dụng máy thủy hiệu Mitsubishi nhưng chỉ 1/8 máy do chính Mitsubishi phân phối, còn lại không phải máy thủy mà được hoán cải để phù hợp môi trường thủy. Một số chi tiết máy bị hoán cải đã làm máy nóng, ra khói đen, thậm chí không hoạt động được.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết nguyên nhân tàu vỏ thép hư hỏng một phần do ngư dân tiếc tiền trong việc thuê tư vấn giám sát đóng tàu. Đầu tháng 6, UBND tỉnh Bình Định thành lập tổ công tác thẩm định độc lập tàu vỏ thép, không hiểu vì lý do gì mà nhiều chủ tàu bãi nại. Thế nhưng, tỉnh Bình Định vẫn cương quyết chỉ đạo kiểm tra. Qua kiểm tra 12/18 tàu, kết quả cho thấy vỏ tàu gỉ sét nặng, thép không đúng chủng loại hợp đồng, chất lượng và quy trình sơn không bảo đảm, máy tàu hư hỏng đã sửa chữa và không đồng bộ trang thiết bị.
Nói về nguyên nhân rút đơn khiếu nại, ông Trần Đình Sơn (ngụ huyện Phù Mỹ), chủ tàu BĐ 99245 TS, khẳng định chưa bao giờ có ý định đó mà do bị lừa. "Sáng 5-6, tôi được tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu mời đến quán cà phê nói chuyện. Họ bảo rút đơn khiếu nại, họ sẽ thay máy tàu đã hỏng bằng máy mới để sớm đi làm, đồng thời hỗ trợ 100 triệu đồng. Tôi bảo không biết viết đơn thì họ đưa tôi một xấp giấy bảo ký. Tôi không ký nhưng họ bảo cứ ký vào chứ không có gì quan trọng nên tôi ký. Sau đó, biết bị lừa nên tôi làm đơn bác việc bãi nại" - ông Sơn bức xúc.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đã yêu cầu Công an tỉnh Bình Định xin ý kiến Bộ Công an sớm điều tra vụ này.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cũng nói Bộ NN-PTNT đã quyết định không cho Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương nhận thêm hợp đồng tàu vỏ thép mới. Các hợp đồng đang thực hiện thì phải đóng như thiết kế, dùng vật tư, thiết bị như trong hợp đồng.
Không tưởng tượng nổi
Tại phiên thảo luận chiều 9-6, nhiều đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) đề nghị sớm tìm ra nguyên nhân việc tàu vỏ thép vừa đóng đã hỏng và xử lý nghiêm minh, sớm có hướng khắc phục hiệu quả.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) gay gắt: "Ngư dân đóng tàu để sản xuất, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vậy mà có đại diện công ty giải thích rằng tàu hỏng là do nước biển mặn. Tôi không thể tưởng tượng nổi câu trả lời này" - ông Sơn bức xúc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH Trương Minh Hoàng nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp phải biết được độ mặn của vùng biển Việt Nam như thế nào. Không thể đổ thừa do yếu tố môi trường làm cho vỏ tàu bị gỉ sét được và lý lẽ này không thể đồng tình. Các ngành chức năng xem xét nếu có liên quan đến vi phạm hình sự thì xử lý nghiêm, đem lại sự công bằng cho người dân".
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cũng nhận định không để những chính sách lớn như vậy trở thành gánh nặng. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành sớm phát hiện nguyên nhân sự cố trên, xử lý nghiêm minh và có hướng khắc phục hiệu quả để bảo đảm chính sách trên không bị lợi dụng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân...
Xem xét có yếu tố phá hoại không?
Cho rằng chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép có ý nghĩa hết sức quan trọng, ĐB QH Trương Minh Hoàng kiến nghị phải xem lại vụ việc này có yếu tố phá hoại hay không? Phải làm rõ có phá hoại chủ trương bám biển bằng cách làm "gãy gánh" chủ trương này dọc đường để người dân nản lòng, phá vỡ chủ trương "bám biển"? Bộ NN-PTNT nên sớm có kết luận, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng để xử lý đến nơi, đến chốn.
Bình luận (0)