Vào mùa cá ngừ đại dương từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, hàng trăm tàu cá của ngư dân Nam Trung Bộ quây quần đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Mùa này biển thường động, tàu “lạ” thường xuất hiện, khiến ngư dân luôn thấp thỏm.
Như trên đất liền
Trung tá Nguyễn Văn Tiến, Hải đội trưởng Hải đội 302, cho biết: “Lực lượng cảnh sát biển (CSB) luôn trực chiến 24/24 giờ để đồng hành với ngư dân. Chúng tôi có thêm phương tiện là có thêm sức mạnh, uy lực để giữ chủ quyền biển đảo”.
Hai tàu cảnh sát biển 8005 và 7011 neo đậu tại vùng biển Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa
Hôm 2 tàu CSB 8005 và 7011 được Hải đội 302 tiếp nhận về Khánh Hòa, chúng tôi đã có dịp chiêm ngưỡng. Chỉ với 2 con tàu này, cầu cảng Hải đội 302 đã bị choán kín.
Thuyền trưởng Trương Duy Quý, tàu Cảnh sát biển 4034, trực chiến với nhiệm bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ ngư dân trên biển
Đứng dưới nhìn lên, những con tàu hiện đại sừng sững cao lớn, uy nghi. Trong khi những con tàu khác dập dìu theo từng con sóng thì bước chân lên tàu 8005 và 7011, chúng tôi cảm giác như ở trên đất liền. Thậm chí, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu còn kê bàn ghế ra boong pha trà tiếp khách.
Tàu 8005 là một trong những tàu hiện đại được đóng theo tiêu chuẩn châu Âu, với nhiều trang thiết bị hàng hải chưa từng có trên các tàu CSB Việt Nam. Theo thiết kế, tàu dài 90 m, rộng 14 m, độ cao mạn 7 m, lượng giãn nước 2.400 tấn. Tàu có thể đạt tốc độ 21 hải lý/giờ, hoạt động liên tục trên biển 40 ngày đêm với tầm hoạt động 4.000 hải lý, chịu được sóng cấp 9, gió cấp 12. Phía sau tàu được thiết kế có thể đậu được máy bay trực thăng để nâng cao tầm kiểm soát, bên trong khoang có nhiều trang thiết bị hiện đại.
Trong khi đó, tàu CSB 7011 hiện là tàu lớn nhất của CSB Việt Nam. Tàu dài gần 90 m, chiều rộng nơi lớn nhất gần 14 m, trọng tải toàn phần khoảng 2.900 tấn, lượng giãn nước đầy tải trên 4.300 tấn, tầm hoạt động đến 6.000 hải lý với thời gian liên tục trên biển đến 60 ngày đêm và chịu được sóng, gió cấp 9-11. Tàu CSB 7011 có những cần cẩu lớn, dài 18 m với những khoang chứa hàng được thiết kế cho nhiệm vụ vận chuyển vật tư kỹ thuật - hậu cần cho các tàu hoạt động trên biển, các đảo hay nhà giàn. Khả năng vận chuyển và tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt của tàu lên tới 2.000 m3 dầu và 500 m3 nước ngọt; tiếp tế hàng hậu cần khô khoảng 300 tấn, hàng đông lạnh khoảng 30 tấn; rau củ quả các loại khoảng 80 tấn…
“Sau khi đưa vào biên chế lực lượng của hải đội, 2 con tàu này góp phần nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn biển đảo. Đặc biệt, với tàu 7011, chúng tôi dễ dàng hỗ trợ, tiếp nhiên liệu và thực phẩm, giúp lực lượng chấp pháp của chúng ta bám biển dài ngày, thực hiện các nhiệm vụ có tính chất chiến dịch” - trung tá Nguyễn Văn Tiến cho biết.
Những chuyến biển nhớ đời
Chuyến biển đầu tiên làm nhiệm vụ, tàu CSB 8005 ngay lập tức lập thành tích khi kịp thời cứu ngư dân Dương Ngọc Sơn (41 tuổi; ngụ huyện Cần Giờ, TP HCM, đi bạn trên tàu cá SG 96629 TS) bị trục cáp kéo lưới trên tàu cá nghiền gãy một phần chân phải.
“Hôm ấy là ngày 14-10, tàu thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là tuần tra khu vực Trường Sa - DK1 thì nhận được lệnh cứu nạn khẩn cấp cho một ngư dân. Chúng tôi nhanh chóng tăng tốc đến hiện trường để cứu người. Khi tiếp cận tàu SG 96629TS, một tổ quân y được cử qua sơ cứu. Khi đó, vết thương của ông Sơn rất nặng, lại mất máu nhiều nên chúng tôi hết sức lo lắng. Chúng tôi động viên rồi cố gắng xử lý vết thương và đưa ông Sơn lên tàu để quay ngay về đất liền chữa trị. Giữa biển cả mênh mông, sóng gió, những ngư dân như chiếc lá mỏng manh. Chúng tôi cảm thấy thật tự hào khi góp phần nào giúp đỡ ngư dân vượt qua những hiểm nguy mà họ phải đối mặt” - thượng úy Bùi Trọng Hà, Chính trị viên tàu 8005, nhớ lại.
Trong khi đó, tàu 7011 còn được biết đến nhiều hơn khi thuyền trưởng điều khiển nó là đại úy Lê Hải Trường - một người nổi tiếng gan dạ, mưu trí qua vụ bắt bọn cướp tàu Zafirah (Malaysia) vào cuối năm 2012. Khi đó, Zafirah đi ngang vùng biển của Indonesia, bất ngờ bị 11 đối tượng cầm súng, dao áp sát, cướp tàu.
Khi bọn cướp đưa Zafirah sang neo đậu tại vùng biển Việt Nam, đại úy Lê Hải Trường, lúc ấy là thuyền trưởng tàu CSB 4031, cùng các tàu CSB truy đuổi, nổ súng buộc chúng phải dừng tàu. Đại úy Trường chính là người đã trao đổi bằng tiếng Anh với bọn cướp, lệnh cho chúng “cởi hết quần áo, chỉ mặc mỗi quần xà lỏn và nhảy từng tên một xuống biển, xuồng CSB sẽ vớt...” nhằm bảo đảm an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ.
Còn với đại úy Trương Duy Quý, trong 9 năm làm nhiệm vụ thuyền trưởng tàu CSB 4034, chuyến biển nhớ đời là khi cứu 7 nhà khoa học và 2 thuyền viên ở vùng biển Trà Vinh vào năm 2014. “Lần ấy, tôi đã không cầm được nước mắt. Nhận được tin tàu chở 7 nhà khoa học gặp nạn và bốc cháy dữ dội ở cửa biển Định An, tỉnh Trà Vinh, tôi liền cho tàu 4034 tăng hết tốc lực để kịp ứng cứu. May mắn là tàu chúng tôi đến kịp” - thuyền trưởng Quý nhớ lại.
Khi đó, tàu của các nhà khoa học vừa cháy vừa chìm. Chín người trên tàu hoảng loạn, gần như tuyệt vọng, cuống cuồng nhào lên mạn gọi điện nói những lời cuối cùng với gia đình. Tàu CSB 4034 liền nhanh chóng triển khai dập lửa, cứu người.
“Khi đó, một nhà khoa học tên là Thành bật khóc nói với tôi rằng vợ anh vừa mất, để lại 1 đứa con gái nhỏ. Anh đi biển mà gặp nạn chết như vậy thì không đành lòng, thương con không biết sống ra sao… Tôi nghe mà mắt cay xè, xúc động lắm, chỉ biết ôm anh Thành để chia sẻ” - đại úy Quý tâm sự.
Gửi gắm nhiều hy vọng
Hay tin Hải đội 302 được tăng cường thêm tàu mới, ông Nguyễn Văn Tèo (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ tàu KH-96640 từng bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa, mừng rỡ thốt lên: “Phải thế chứ!”.
Theo ông Tèo, đêm 7-3, tàu ông chong đèn đánh bắt cá ngừ thì bất ngờ xuất hiện một tàu ghi chữ Trung Quốc dài 40-50 m chạy đến đâm thẳng vào mạn trái. Cú tông mạnh khiến tàu KH-96640 bị chìm rất nhanh. Con tàu gây tai nạn rồ máy bỏ chạy mất biệt trong đêm tối, để mặc 5 ngư dân loay hoay trên tàu cá chìm dần. “Ngư dân rất cần lực lượng chức năng của nước ta kịp thời hỗ trợ để yên tâm bám biển” - ông Tèo mong mỏi.
Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang), cho biết nhà ông có 3 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương thường xuyên hoạt động ở vùng biển Trường Sa. Những năm gần đây, vùng biển này thường xuyên xuất hiện tàu cá Trung Quốc. Việc Hải đội 302 tăng cường thêm tàu hiện đại khiến ngư dân rất phấn khởi vì có thêm sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chia sẻ về việc hỗ trợ ngư dân, đại úy Trương Duy Quý cho biết khi có lệnh, lập tức các tàu CSB lên đường làm nhiệm vụ. Nhiều khi gà, vịt mới mua về cũng không kịp chuyển lên tàu; suốt chuyến biển, cán bộ, chiến sĩ phải ăn lương khô để làm nhiệm vụ. Nhiều trường hợp, tàu CSB phải theo sát tàu nước ngoài suốt hải trình, không để các tàu này xâm phạm vùng biển chủ quyền của đất nước.
Theo trung tá Nguyễn Văn Tiến, với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, hỗ trợ ngư dân, nhiều tàu của Hải đội 302 trực chiến trên biển cả năm trời vẫn chưa về lại đơn vị. “Hải đội 302 luôn có tàu trực chiến 100% trên biển và tàu tại cảng chuẩn bị sẵn lương thực - thực phẩm, nhiên liệu. Chỉ cần 15 phút sau khi có lệnh khẩn, lập tức các tàu CSB sẽ xuất phát” - trung tá Tiến khẳng định.
Bình luận (0)