xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sau những quyết định “trảm tướng”

ĐỖ DU - HOÀNG DŨNG - CAO NGUYÊN

Sự quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải không chỉ lập lại kỷ cương trong ngành mà còn giúp nhiều dự án “rùa” về đích đúng tiến độ

Ông Đinh La Thăng nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từ tháng 8-2011. Từ đó tới nay, ông đã mạnh tay “trảm” rất nhiều cán bộ có sai phạm, khuyết điểm hoặc nhà thầu thi công ì ạch, vi phạm hợp đồng.

Thiếu trách nhiệm là thay

Mới nhất, ngày 5-7, khi thị sát dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư là Công ty CP BOT Quang Đức do năng lực yếu kém, dự án chậm 3-5 tháng so với tiến độ.

Theo quyết định của Cục Đường sắt Việt Nam có hiệu lực từ ngày 2-7, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, giữ chức Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt của cục này thay thế ông Đoàn Tăng Ong. Việc thay đổi nhân sự xuất phát từ yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng sau khi xem xét đến năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm, tình hình công việc tại các dự án đường sắt.

Trước đó, ngày 6-6, Bộ GTVT đã ra thông báo cho biết Công ty Vận tải Hành khách Sài Gòn và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ban hành một loạt văn bản xử lý theo hướng cách chức, kỷ luật, cho nghỉ việc nhiều cán bộ do vi phạm trong công tác quản lý, điều hành.

Phần lớn gói thầu trong dự án mở rộng Quốc lộ 14 do Công ty CP BOT Quang Đức làm chủ đầu tư chỉ mới thi công được 2 bên lề đườngẢnh: CAO NGUYÊN
Phần lớn gói thầu trong dự án mở rộng Quốc lộ 14 do Công ty CP BOT Quang Đức làm chủ đầu tư chỉ mới thi công được 2 bên lề đườngẢnh: CAO NGUYÊN

Mới đây, sau khi báo chí phản ánh về việc Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vừa đưa vào sử dụng đã bị hằn vệt bánh xe, Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay lập tức chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét trách nhiệm. Kết quả, 4 nhà thầu bị áp dụng biện pháp cấm tham gia đấu thầu các dự án do Bộ GTVT quản lý trong 3 năm.

Ngày 20-6 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng ký văn bản “tuýt còi” quyết định bổ nhiệm lãnh đạo không đúng quy định, không xin ý kiến của bộ xảy ra tại Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.

Không phải nhìn trước, ngó sau

Có thể nói sự quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng không chỉ giúp lập lại kỷ cương trong ngành mà còn giúp nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ. “Nếu năm 2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng không mạnh tay “trảm tướng” tại dự án nhà ga mới của sân bay Đà Nẵng thì nhà ga này khó mà hoàn thành đưa vào phục vụ hành khách như hôm nay” - ông Trần Văn Thái (TP HCM), người thường xuyên ra Đà Nẵng bằng đường hàng không, bày tỏ.

Dự án nhà ga mới của sân bay Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ tháng 12-2007 và dự kiến đưa vào khai thác trong quý I/2010 nhưng việc thi công hết sức ì ạch khiến dự án chậm tiến độ gần 2 năm.

Tháng 10-2011, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng vào thị sát đã quyết định “trảm” trưởng ban quản lý dự án là ông Đặng Hồng Cương và điện thoại điều ngay ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam (SAC) ra thay. Kết quả, cuối tháng 12-2011, nhà ga mới của sân bay quốc tế Đà Nẵng đã được đưa vào hoạt động đón khách đúng tiến độ mà Bộ trưởng đề ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 7-7, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng các quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động, Luật Công chức, viên chức và các nghị định, thông tư hướng dẫn đủ sức nặng để xử lý được ngay những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; có vi phạm, khuyết điểm. Đối với các nhà thầu thi công ì ạch, không đúng tiến độ thì việc xem xét được căn cứ trên hợp đồng ký kết giữa các bên.

“Tôi nghĩ chỉ có những hợp đồng ký với những điều khoản chung chung, không quy kết những vi phạm cụ thể sẽ bị chấm dứt hợp đồng thì mới khó xử. Nhưng nếu bộ trưởng nào cũng có ý thức trách nhiệm cao như ông Đinh La Thăng thì cái gì cũng giải quyết được hết” - ông Cương nói.

Theo PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), việc nhùng nhằng xử lý các nhà thầu yếu, không có năng lực thi công… liên quan chủ yếu đến lợi ích nhóm và các mối quan hệ nên phải nhìn trước, ngó sau.

“Người đứng đầu không dính dáng gì thì ra tay dễ thôi, khi ấy không cần có ý kiến của cấp dưới hay ngại ngùng, nhì nhằng gì cả” - ông Liêm nhận định và cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng ở lĩnh vực khác về quản lý Bộ GTVT nên việc ra các quyết định “trảm” không gặp nhiều áp lực, khó khăn.

“Chưa thấy ai phản ứng”

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc có trường hợp nào bị “trảm” mà sau này người bị thay, cắt chức không hài lòng và có ý kiến, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Bằng lòng hay không thì tôi không rõ nhưng cho đến nay chưa thấy ai phản ứng, ta thán. Việc thay họ cũng tạo điều kiện bố trí công việc phù hợp với năng lực và chuyên môn hơn. Ranh giới giữa hoàn thành nhiệm vụ và chưa hoàn thành rất mong manh nên người lãnh đạo phải nắm rõ tình hình và công tâm. Việc xử lý, thuyên chuyển hay cắt chức cán bộ phải đúng với quy định, nguyên tắc và khách quan. Một điều quan trọng cần lưu ý đó là công việc của họ, là gia đình đằng sau và sinh mệnh chính trị. Vì vậy không thể dễ dãi, vội vàng mà cần hết sức cẩn trọng và vì việc chung”.

T.Dũng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo