Đại biểu QH Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng kỷ cương hành chính trong nhiều lĩnh vực không nghiêm như việc Bộ trưởng Đinh La Thăng nói có bán "lốt" xe 600 triệu thì Sở "truy" ngược lại yêu cầu cung cấp thông tin. Ảnh: Thế Dũng
Hôm nay 22-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về về tình hình kinh tế xã hội 5 năm qua (2011-20115).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ sự bất bình trước việc kỷ cương, kỷ luật hành chính không nghiêm diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. "Điển hình nhất là việc Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng nói có chuyện bán "lốt" xe ở Hà Nội tới 500 - 600 triệu đồng thì sở nói ngược yêu cầu Bộ trưởng cung cấp thông tin thay vì phải xác minh làm rõ ngay" - ông Sinh dẫn chứng.
Cũng liên quan đến Hà Nội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu nạn cát tặc ở một xã ở huyện Thường Tín dẹp mãi không xong đến mức Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đích thân bất ngờ đi thị sát, chấn chỉnh. "Hay vụ toà nhà 8B Lê Trực xây cao vượt tới 16 m, hàng ngàn m2 mà qua mặt hàng loạt cơ quan của Hà Nội là quận, phường, thanh tra xây dựng, sở xây dưng... không nắm được trong thời gian dài là điều không thể hiểu nổi?".
Ông Sinh gay gắt: "Người dân xây nhà đổ 1 xe cát ở cổng chỉ vài chục phút sau là có cán bộ trật tự xây dựng đến ngay, vậy cả mấy tầng nhà xây vượt phép không ai biết thì ở đây là cái gì? Chỉ có thể là làm ngơ, bao che".
Ông Sinh cho rẳng chính sự "thờ ơ" của một số cơ quan chức làm đã làm cho doanh nghiệp tin được "cho qua" đổ tiền lớn vào xây dẫn đến thiệt hại cho xã hội, cổ đông và người dân là không hề nhỏ. "Ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Tham nhũng vặt ở khắp nơi, người dân đến cơ quan công quyền mà đi tay không thì chẳng thể được việc. Đến cả cô văn thư cũng phải có mấy đồng quà mới có nhanh cái dấu. Tình trạng này phổ biến, trở nên quá bình thường và chẳng ai cảm thấy xấu hổ" - đại biểu tỉnh Hoà Binh bức xúc.
Trước sự gay gắt của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đồng tình với nhiều vụ việc nổi cộm vừa qua bắt nguồn từ “kỷ cương, kỷ luật hành chính không nghiêm”.
Trong khi đó, tại Đoàn Đại biểu QH Hà Nội, trước sự có mặt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Đình Quyền cho biết trong nhiệm kỳ tới đây, cử tri mong muốn thực sự chọn được người tài đức vào bộ máy nhà nước nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung, thì từ lý thuyết đến hiện thực còn là khoảng cách rất xa. Theo ông, trong nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, có vấn đề năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức. Vì vậy, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá khách quan, toàn diện hơn về vấn đề này.
"Tôi được Bộ Nội vụ mời làm việc này nhiều năm nay, thấy rất lo ngại về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, vì đi thi đều là vụ phó đến phó chủ tịch UBND, đứng đầu ngành của các tỉnh, tham mưu chiến lược của các bộ ngành. Đây là sự hụt hẫng về năng lực, trong đó có năng lực hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách" - ông Quyên lo lắng.
Đáng nói theo Phó Chủ nhiệm UBTP, trong hoạch định chính sách, đến nay hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn sơ hở, chồng chéo, thể hiện năng lực tham mưu và năng lực quyết định, chưa kể sự len lỏi xuất hiện của lợi ích nhóm, làm méo mó tính khách quan của chính sách. Đến khi tổ chức thực hiện chính sách thì rất bất cập.
Ông Nguyễn Đình Quyền từ đó đề nghị cả QH và Đại hội Đảng XII tới đầy cần dành nhiều thời gian tập trung đánh giá sâu về công tác cán bộ, xác định nhiệm vụ hàng đầu là củng cố đội ngũ cán bộ. "Hy vọng Đại hội Đảng tới sẽ có đột phá về công tác cán bộ, đưa ra những thiết chế về mặt nhà nước để kiểm soát quyền lực, kiểm soát chế độ trách nhiệm, để "không dám, không muốn, không làm" những hành vi tiêu cực"- ông Quyền mong mỏi.
Cùng về cán bộ, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu QH Hà Nội Chu Sơn Hà cho rằng thời gian qua ta nặng về việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu phải thực hiện nhiệm vụ, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến việc giao quyền đầy đủ cho họ để có thể triển khai được ý tưởng. "Tôi kiến nghị cần thêm quyền cho họ, đặc biệt trong bố trí bộ máy, tuyển dụng con người, còn nếu như cứ để cơ chế như thế này, người được giao trách nhiệm người đứng đầu khó hoàn thành được nhiệm vụ vì không có quyền quyết định đối với sinh mạng chính trị và công việc của mình" - ông Hà góp ý.
Đại biểu Nguyễn Sơn Hà phân tích từ cơ chế quản lý cán bộ theo kiểu cũ mà không thể xác định trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, đa số cá nhân hòa lẫn vào trách nhiệm hình sự, núp dưới bóng tập thể, khi có sai sót thì tránh được trách nhiệm, đẩy sang vai trò của tập thể.
Tán đồng, đại biểu Bùi Thị An nói: "Chỉ có thế mới quy được rõ trách nhiệm và công tác lãnh đạo mới hiệu quả. Còn không, được thì đứng đầu được, khi có vấn đề thì truy đến phó, cấp dưới, đổ tại tham mưu trình sai, thế là không công bằng".
Bình luận (0)