Liên quan đến vụ lấp sông Đồng Nai ở thượng nguồn (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), ngày 22-4, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm cách tiếp cận “nghi phạm” nhưng người này không thừa nhận. Tuy nhiên, đến cuối ngày, UBND huyện Vĩnh Cửu đã bất ngờ phát đi thông báo cho rằng 2 chủ đất nơi lấp sông phải chịu trách nhiệm.
Cùng nhau… phủ nhận
Để làm rõ thông tin một cán bộ ngành thuế làm việc tại TP Biên Hòa đã cho xe tải đổ hàng ngàn khối đất đá để lấp sông Đồng Nai, chúng tôi đã tìm hiểu và tiếp cận ông Nguyễn Tiến Dũng, người được cho là có hành vi trên nhưng ông này phủ nhận. Qua điện thoại, ông Dũng nói lấp lửng rằng mình không mua bán và không liên quan đến 2 thửa đất ở vị trí lấp sông Đồng Nai.
Tuy nhiên, các câu hỏi khác mà chúng tôi đặt ra đều không được ông trả lời. “Người dân ở đó nói gì, tôi sẵn sàng đối chất” - ông Dũng khẳng định. Tuy vậy, quá trình xác minh, chúng tôi được biết ông Dũng có mối quan hệ gần gũi với những người chủ của 2 thửa đất nói trên.
Ông Hà Công Thanh, 1 trong 2 chủ đất, cho biết 2 thửa đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông nhưng việc lấp sông thì ông không hề hay biết. “Ai đổ đất tôi không biết, gần đây mới phát hiện…” - ông Thanh nói.
Theo người dân xung quanh, đây là điều hết sức vô lý vì gia đình ông Thanh hiện cũng ở mé sông Đồng Nai, cách vị trí bị san lấp chỉ khoảng vài trăm mét. Trong khi đó, hành vi đổ đất đá xuống sông Đồng Nai xảy ra cả tháng trời. “Ông Thanh và ông Dũng có mối quan hệ rất gần gũi” - một người dân cho biết.
Cải tạo mặt bằng, chống sạt lở?
Chiều cùng ngày, UBND huyện Vĩnh Cửu đã gửi cho phóng viên bản kết luận khẳng định 2 chủ đất phải chịu trách nhiệm trước mắt về việc lấp sông Đồng Nai trên khu đất của mình. “Việc chủ sử dụng đất có hoạt động vận chuyển đất đá về san lấp sông Đồng Nai là có cơ sở” - bản kết luận lấp lửng.
Ngoài ra, bản kết luận còn xác định việc phát hiện đổ đất đá tại khu vực nêu trên với tính chất và khối lượng như Báo Người Lao Động đã thông tin là chính xác. Tuy nhiên, văn bản này lại cho rằng đây là “vận chuyển về san lấp mặt bằng” và mục đích “cải tạo mặt bằng, chống sạt lở…”. Sau khi phát hiện, UBND huyện Vĩnh Cửu đã buộc những người liên quan phải ngừng thi công. “Việc các chủ đất lấp sông Đồng Nai là mong muốn chủ quan, do ý thức người dân còn hạn chế và chính quyền địa phương cần phải yêu cầu chấn chỉnh” - văn bản nêu.
Thế nhưng, điều đáng nói là trong khi huyện Vĩnh Cửu đưa ra một kết luận lấp lửng thì 2 chủ đất không hề thừa nhận mình đã lấp sông Đồng Nai và khẳng định hoàn toàn không hay biết về việc này. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu, cho biết qua các cuộc họp liên quan, huyện cũng chỉ mới đưa ra kết luận ban đầu.
“Ngày 23-4, chúng tôi tiếp tục làm việc với các bên liên quan. Hiện chưa thể kết luận ai đã lấp sông Đồng Nai mà chỉ khẳng định là 2 chủ đất tại khu vực diễn ra sự việc phải chịu trách nhiệm” - ông Bằng nói.
Cần xem xét nhiều dấu hiệu vi phạm
Một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa cho rằng với các thông tin liên quan, có thể xem xét hành vi lấp sông Đồng Nai phía thượng nguồn ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực cụ thể để làm rõ các vi phạm. Ví dụ, ở lĩnh vực môi trường, có thể xem xét đến Luật Đất đai. Ngoài ra, còn có các vấn đề liên quan ở cấp tỉnh như Luật Tài nguyên nước, hành lang an toàn đường thủy nội địa...
Bình luận (0)