Giữa cái nắng tháng 4 như thiêu đốt, chúng tôi có dịp hòa mình vào những cánh đồng đậu xanh bát ngát, trải dài trên vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Mặc cho ao hồ, sông rạch cạn phơi đáy, nông dân ở đây vẫn vui tươi, hớn hở thu hoạch thành quả do mùa khô khắc nghiệt ban cho.
Làm một vụ, sống cả năm
Vuốt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng, ông Mai Văn Hớn (ấp Cơi Tư, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) khoe: “Nhờ nắng tốt nên đậu xanh năm nay đạt năng suất cao hơn mong đợi. Đây là nguồn sống chính của gia đình tôi nhiều năm nay. Chỉ cần làm một vụ đậu là đủ sống cả năm”.
Xã Khánh Bình Tây là địa phương có diện tích trồng đậu xanh lớn nhất huyện Trần Văn Thời. Ban đầu, người ta chọn trồng loại cây này chỉ vì nó thích nghi với nắng hạn, không cần nhiều nước tưới. Thế nhưng, kết quả đem lại quá bất ngờ khiến chẳng mấy ai còn quan tâm nhiều đến cây lúa.
“Cây đậu xanh dễ trồng, không mất nhiều công sức, vốn đầu tư thấp nhưng thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Gia đình tôi có 5 công đất, mỗi năm làm 2 vụ lúa, 1 vụ đậu. Huê lợi từ vụ đậu cao hơn 4 lần so với vụ lúa” - ông Hớn so sánh.
Chỉ tay về những ruộng đậu xanh ngút tầm mắt, ông Hớn cho biết: “Bà con chúng tôi chẳng trông mong gì trời mưa để trồng lúa vì công sức, vốn liếng bỏ ra nhiều mà chẳng có huê lợi gì. Chúng tôi trồng lúa chủ yếu là để chờ đến mùa đậu”.
Theo tính toán của nông dân Khánh Bình Tây, một vụ đậu xanh chỉ khoảng 2 tháng, canh tác đơn giản, chi phí thấp, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Trong khi đó, vụ lúa dài gần gấp đôi, phải mất nhiều công đoạn, công sức bỏ ra nhiều và chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại cao hơn. Quan trọng hơn là mỗi hecta đậu xanh cho năng suất 3 tấn, thu lợi gần 80 triệu đồng, còn mỗi hecta lúa đạt khoảng 5 tấn, chỉ bán được khoảng 20 triệu đồng.
“Chỉ cần gieo hạt, ủ phân, tưới qua vài lần cho đến khi hạt đậu lên cây là có thể nằm chờ ngày thu hoạch. Năm nay nắng tốt, đêm lại nhiều sương chính là điều kiện thuận lợi nhất để cây đậu phát triển và đạt năng suất cao nhất” - ông Hớn lạc quan.
Đời sống, kinh tế gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Gấm (ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây) cũng thay đổi hẳn nhờ chuyển đổi cây trồng, bỏ vụ lúa thay vụ đậu xanh. Theo bà Gấm, trồng đậu xanh trên đất ruộng không chỉ đem lại thu nhập cho nông dân mà còn tạo việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương.
“Khi thu hoạch xong, tôi còn tranh thủ lúc rảnh rỗi đi hái đậu xanh thuê cho bà con trong xóm. Một ngày hái được 25 thùng, được trả tiền công 150.000 đồng” - bà Gấm cho biết.
Mô hình bền vững
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng đậu xanh mùa khô hạn ở Khánh Bình Tây, nông dân nhiều xã lân cận của huyện Trần Văn Thời như Khánh Hưng, Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông... cũng làm theo. Nhờ vậy, họ thoát nghèo, vươn lên khá giả và chẳng cần đếm xỉa đến chuyện hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời xuống giống được hơn 1.160 ha đậu xanh. Hiện nay, các cánh đồng đậu xanh thu hoạch đã gần xong, năng suất bình quân khoảng 3 tấn/ha. Thậm chí, nhiều nông dân tận dụng ruộng khô hạn, nứt nẻ để gieo đậu xanh cũng đạt năng suất khoảng 2 tấn/ha.
Trồng đậu xanh năng suất ổn định, không sợ thiệt hại, không lo hạn - mặn song điều khiến nông dân yên tâm nhất chính là giá cả. Gần chục năm nay, giá đậu mà thương lái vào tận nơi thu mua luôn giữ mức ổn định. Những ngày này, thương lái từ các tỉnh, thành ĐBSCL nườm nượp đổ về vùng trồng đậu xanh của huyện Trần Văn Thời, tranh nhau thu mua nên có lúc giá đậu xanh lên gần 30.000 đồng/kg, cao hơn những ngày trước 5.000-6.000 đồng.
“Do cây đậu xanh chỉ trồng được 1 vụ vào mùa khô nên nguồn cung không bao giờ đủ. Chính vì vậy mà chúng tôi luôn yên tâm về giá cả. Hàng chục năm nay, chưa bao giờ tôi thấy cảnh đậu xanh được mùa mà rớt giá” - anh Trần Quốc Thanh (ấp Cơi Tư, xã Khánh Bình Tây) khẳng định.
Cà Mau là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn vừa qua, với gần 50.000 ha lúa bị thiệt hại. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trong điều kiện thời tiết nắng hạn khốc liệt như hiện nay, nhiều loại cây trồng khác bị thiệt hại do thiếu nước tưới thì việc nông dân huyện Trần Văn Thời thành công với cây đậu xanh là cơ sở để các địa phương nghiên cứu, áp dụng.
Các nhà khoa học cũng đánh giá việc xen canh 2 vụ lúa + 1 vụ đậu xanh là mô hình tốt để chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình biến đổi của thời tiết, nhằm từng bước chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kỳ tới: Cái khó ló cái khôn
Trúng lớn nhờ nắng kéo dài
Theo ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, mưa dứt sớm, nắng kéo dài là điều kiện thuận lợi để trồng đậu xanh. “Năm nay, do được dự báo tình hình khô hạn sớm nên nông dân Cà Mau mạnh dạn chuyển sang trồng cây đậu xanh. Những hộ trồng sớm đều được mùa, cây đậu đạt năng suất cao. Đây là vụ đậu xanh trúng mùa nhất từ trước đến nay” - ông Tranh cho biết.
Bình luận (0)