Bắt đầu từ ngày 2-2, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài chính TP HCM chủ trì đã tiến hành kiểm tra giá cước vận tải của 75 doanh nghiệp (DN), trong đó 55 DN hoạt động tuyến cố định, còn lại là các hãng taxi. Đoàn chia làm 3 tổ gồm Sở Tài chính, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải - GTVT), Cục Thuế TP và dự kiến việc kiểm tra kéo dài đến hết ngày 6-2.
Bất thường là “tuýt còi”
Sáng 3-2, tổ kiểm tra do ông Đỗ Đăng Ái - Phó chánh Thanh tra Sở Tài chính - làm tổ trưởng, đã kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá vé tuyến TP HCM - Cái Răng (Cần Thơ) của HTX số 4. Theo ghi nhận, trước đợt xăng dầu giảm giá ngày 21-1, HTX này đã giảm giá cước 14%.
Tuy nhiên, sau ngày 21-1, khi giá xăng dầu giảm mạnh (xăng giảm 1.900 đồng/lít, dầu giảm 1.460 đồng/lít), Sở Tài chính có công văn yêu cầu các DN vận tải kê khai, niêm yết giá cước lại trên cơ sở giảm theo giá xăng dầu, báo cáo sở trước ngày 30-1 và thực hiện sau 5 ngày nhưng đến nay, HTX số 4 vẫn chưa kê khai giá cước mới.
Cùng thời điểm đoàn thanh tra ra quân ngày 2-2, Sở Tài chính nhận được bảng kê khai giá cước mới của HTX này với mức giảm thêm 4%.
Lý giải nguyên nhân chậm kê khai giá cước theo yêu cầu, đại diện HTX số 4 cho biết do nhận công văn của Sở Tài chính trễ. Cũng với lý do trên, Công ty Tiến Thành, tuyến TP HCM - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng kê khai trễ và báo cáo Sở Tài chính vào ngày 2-2 với giá cước mới giảm thêm 3,5%. Trước đó, đơn vị này đã giảm giá cước 10% khi giá xăng dầu giảm 2 đợt.
Cùng ngày, một tổ kiểm tra khác đã kiểm tra tại các DN Mỹ Duyên, tuyến TP HCM - Sóc Trăng; Quốc Hoàng, tuyến TP HCM - Cao Lãnh và Văn Lang, tuyến TP HCM - Cần Thơ.
Trước đó, ngày 2-2, đoàn kiểm tra đã đến Công ty TNHH Thành Bưởi (quận 5), kiểm tra giá vé tuyến TP HCM - Cần Thơ. DN này từng 2 lần giảm giá cước với mức 8% (từ 130.000 đồng/vé, còn 120.000 đồng/vé) nhưng sau đợt giảm giá xăng dầu ngày 21-1 thì lại không có động thái gì.
Vào ngày đoàn kiểm tra, Công ty TNHH Thành Bưởi mới gửi bảng kê khai giá cước với mức giảm đề xuất còn 115.000 đồng/vé, áp dụng từ ngày 24-2. Theo đoàn kiểm tra, thời điểm đề xuất giảm giá kéo dài so với thời gian quy định và đại diện công ty lý giải thời điểm trên là hợp lý vì ngoài xăng còn các yếu tố cơ cấu giá khác. Không đồng tình với giải thích này, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu Công ty TNHH Thành Bưởi đến ngày 5-2 phải giảm giá vé theo quy định.
Nhận xét đợt kiểm tra này, ông Ái cho rằng hầu hết 75 DN đăng ký hoạt động ở TP HCM chấp hành khá tốt việc giảm giá cước. Theo tính toán, đối với xe tuyến cố định, nhiên liệu chiếm 35% cơ cấu giá thành nên các đợt xăng dầu giảm vừa qua với mức 38% thì giá vé giảm 15% là phù hợp.
“Muốn mua vé rẻ, nửa đêm ra xếp hàng”
Trong lúc các DN đăng ký hoạt động ở TP HCM thực hiện khá tốt việc giảm giá cước thì nhiều DN đăng ký ở các địa phương khác lại tăng giá vô tội vạ.
Ghi nhận tại các DN có tuyến TP HCM đi Phan Thiết (Bình Thuận), đặt văn phòng trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cho thấy giá vé xe Tết tăng 250% so với ngày thường và được áp dụng rất sớm, từ ngày 15 tháng chạp. Trong khi đó, mức giá vé sau khi áp phụ thu cao nhất trong các bến xe là từ 20%-60% và chỉ tăng từ ngày 21 tháng chạp.
Cụ thể, hãng xe Hạnh café, giá vé ngày thường là 130.000 đồng/vé nhưng từ ngày 3-2 (tức 15 tháng chạp) là 300.000 đồng/vé. Tương tự, nhà xe Việt Nhật giá vé ngày thường là 120.000 đồng/vé nhưng từ ngày 6-2 (tức 18 tháng chạp) là 300.000 đồng/vé.
Trưa 3-2, chúng tôi liên hệ 10 hãng xe đi tuyến TP HCM - Quảng Ngãi thì có 7 hãng tăng giá vé hơn mức phụ thu quy định 60%. Cụ thể, giá vé mà các hãng xe Tấn Phát, Tuyết Huy, Đăng Nam (quận Tân Bình) đưa ra từ ngày 24 đến 27 tháng chạp là 750.000 đồng/vé (giường nằm), tăng gần 220% so với ngày thường.
Tương tự, hãng xe Cẩm Vân báo giá ngày 24 tháng chạp là 820.000 đồng/vé (bao ăn), trong khi trên vé in giá 580.000 đồng, tức tăng 250%. Khi chúng tôi thắc mắc giá vé quá cao, nhân viên ở đây quát lớn: “Muốn có vé rẻ, về nhà nấu cơm rồi thức dậy nửa đêm ra xếp hàng cả ngày mà mua”.
Tuyến TP HCM - Phú Yên, 2 hãng xe Hồng Sơn và Hằng Kính cũng bán vé cao hơn quy định. Cụ thể, giá hiện tại được bán 240.000 đồng/vé giường nằm nhưng từ ngày 24 tháng chạp trở đi là 500.000-550.000 đồng/vé, tăng 110%-116%.
Ngoài ra, tuyến TP HCM - Bình Thuận (gồm La Gi, Phan Thiết), do hãng xe Minh Chung, Thu Long đặt điểm bán vé trên đường Trần Phú, Hùng Vương (quận 5) rao giá đi ngày 24 và 25 tháng chạp cao hơn bình thường đến 90%. Lý giải về điều này, nhân viên hãng Thu Long nói: “Xe hợp đồng bên ngoài, họ lấy giá cao nên hãng phải theo giá thuê. Những vé cao hơn ngày thường 60% đều là xe tăng cường bên ngoài để mọi người có thể về quê ăn Tết”.
Theo Nghị định 109 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá..., hành vi không kê khai giá, bán vé sai giá niêm yết bị phạt 20-25 triệu đồng đối với cá nhân và gấp đôi số này đối với tổ chức vi phạm.
Tuy nhiên, theo Sở Tài chính, một số nhà xe đăng ký hoạt động tại các tỉnh, thành khác chạy tuyến cố định không những không giảm giá vé mà còn tăng, thậm chí phụ thu 100%-200% giá vé Tết so với ngày thường. Về điều này, Sở Tài chính không thể can thiệp, xử lý bởi các DN đều được cơ quan chức năng địa phương chủ quản thông qua.
Nếu cần thiết, vận động tẩy chay
Sáng 3-2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã kiểm tra đột xuất tình hình bảo đảm an ninh trật tự và phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi của Bến xe Miền Đông và ga Sài Gòn.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần công khai giá vé, số lượng vé và những DN chưa giảm giá vé để người dân được biết. “Nếu cần thiết, chúng ta phải vận động tẩy chay những nhà xe không giảm giá cước. Ngoài ra, phải kiểm soát chặt chẽ phí phụ thu, không thể để tình trạng nhà xe muốn phụ thu bao nhiêu cũng được” - ông Thăng nói.
Chứng kiến cảnh hành khách phải xếp hàng nhiều giờ chờ mua vé của hãng xe Phương Trang, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Bến xe Miền Đông phải làm việc với hãng xe này để rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức bán vé sao cho hợp lý để hạn chế tình trạng khách chen lấn, gây mất an ninh trật tự. “Sở GTVT và các bến xe nghiên cứu tiến tới năm 2015 tổ chức bán vé Tết qua mạng” - ông Thăng chỉ đạo.
Tại ga Sài Gòn, ông Thăng yêu cầu Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn phải thực hiện minh bạch trong việc cung cấp thông tin, bán vé cho người dân nhằm xóa nạn phe vé, cò vé.
Hà Nội và Bình Dương: Nhiều DN chây ì
Ngày 3-2, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội cho rằng trên địa bàn vẫn còn một số DN chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu. “TP Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT thực hiện quyết liệt các biện pháp để DN có phương án giảm giá cước trước Tết Nguyên đán Ất Mùi...
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Tài chính đã kiểm tra giá cước vận tải tại DN Thắng Lợi (kinh doanh loại hình taxi ở Bình Dương). Ngoài ra, đoàn cũng kiểm tra giá cước tại 3 DN vận tải khác là HTX Vận tải Bến Cát, HTX Vận tải Bình Dương và hãng xe Mai Linh tại Bình Dương.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT), cho biết do giá xăng dầu giảm nên nhiều DN vận tải chạy tuyến cố định đã kê khai giảm giá vé nhưng chỉ khoảng 4%. Đặc biệt, còn một số doanh nghiệp vẫn chây ì chưa chịu giảm.
T.Hà - V.Duẩn - N.Phú
Bình luận (0)