Với DN chân chính, Tết vui thì ít, lo toan thì nhiều. Tự an ủi là lấy niềm vui của công nhân và nhân viên làm niềm vui của mình vậy. Gặp nhau, ai cũng ưu tư vì Luật BHXH mới, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, quy định mức đóng mới là 8% của người lao động (NLĐ) và 18% của DN. Đóng BHXH mới, NLĐ phải thắt lưng buộc bụng, còn DN phải gồng mình, xoay xở để bù đắp phần thu chênh lệch - bài toán hóc búa cho các DN làm ăn nghiêm túc.
So với mức đóng cũ, tỉ lệ tăng không đáng kể, NLĐ đóng từ 7% lên 8%; DN đóng từ 17% lên 18% nhưng dư luận xã hội, cả DN và NLĐ, đều rất bức xúc. Theo luật cũ, mức đóng BHXH chỉ dựa theo bảng lương trong hợp đồng lao động. Các DN, kể cả DN nhà nước, đa phần chỉ ký hợp đồng với lương tối thiểu, sau đó tìm cách “phù phép” thu nhập để trốn BHXH. Số còn lại thì phớt lờ, không “thèm” đóng (nợ BHXH). Phổ biến là chỉ ký hợp đồng thời vụ hoặc khoán lương. NLĐ chỉ thấy lợi trước mắt, đỡ đóng một ít tiền nhưng mất hết quyền lợi lâu dài. Cũng có người đòi hỏi nhưng không được vì có sự “chống lưng” (?).
Ai cũng biết, ở Việt Nam, số NLĐ sống bằng lương rất ít, nhất là viên chức và lao động khối DN nhà nước, đa phần đều mặc nhiên thừa nhận “lương tượng trưng, bổng chủ yếu”. Luật BHXH mới tăng ít (tổng thu từ 24% lên 26%) nhưng lại thu trên toàn bộ thu nhập của NLĐ nên tổng thu có khi gấp mấy lần.
Thu nhập ngoài lương cũng muôn hình vạn trạng, không dễ gì kiểm soát. Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn thu BHXH của Việt Nam tăng trưởng rất tốt: từ năm 2007 đến 2014 tăng bình quân 23%/năm. Hiện quỹ đang thiếu hụt hơn 91.000 tỉ đồng do bị chiếm dụng hoặc trốn BHXH. Năm 2015, BHXH Việt Nam bội chi hơn 5.000 tỉ đồng.
Đóng BHXH là vì quyền lợi của NLĐ nhưng tại sao NLĐ lại trốn tránh? Tăng mức đóng BHXH cũng là tăng quyền lợi cho NLĐ nhưng nhiều NLĐ phản ứng, không mặn mà, vì sao? Xin thưa, bởi NLĐ mất niềm tin vào nhiều chính sách. Quản lý thì lỏng lẻo, thu chi không rõ ràng. Cái lợi thì xa vời còn thiệt thòi thì trước mắt. Nếu cộng cả BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… thì NLĐ ở Việt Nam đang phải đóng 34,5% tổng thu nhập, nghĩa là hơn 1/3, cao hơn mức đóng của NLĐ Nhật Bản (29%); trong khi lương hưu và các quyền lợi khác của người hưu trí thì quá tệ. Việt Nam cũng bỏ xa các nước ASEAN về mức đóng BHXH, 26% (Thái Lan 4%, Indonesia 6%, Brunei 8%, Lào 9%, Philippines 10%, Malaysia 13%)…
Trên thì bảo tăng thu vì quyền lợi NLĐ, dưới thì nói tăng thu là để bù chi quá lố. Mà thâm hụt vì lý do gì? Ai phải chịu trách nhiệm, điều đó cũng không được đề cập…
Nhiều DN và NLĐ thắc mắc “tại sao không giữ mức thu cũ, chỉ mở rộng các nguồn thu thay vì lương cho đỡ phức tạp?”. NLĐ phải sống được bằng lương để an tâm lao động và làm việc theo pháp luật. Làm gì cũng phải có lộ trình với từng bước đi hợp lý và đồng bộ. Còn giao dịch tiền mặt thì chưa thể minh bạch; còn “chống lưng” cho các DN lách, trốn và chiếm dụng BHXH thì mọi chủ trương tốt đẹp chỉ là nửa vời; còn thiếu địa chỉ trách nhiệm cụ thể và không có ai giám sát, chế tài thì dân còn khổ dài dài.
Nhưng không vì thế mà cứ “trăm khổ đổ… đầu dân”. Dư luận xã hội và cả người dân đều đã tiến bộ hơn trước, không thể “cả vú lấp miệng em” mãi được!
Bình luận (0)