Phiên họp thứ 41, ngày 14-9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn
Ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của QH Nguyễn Văn Hiện cho biết nhiều ý kiến đề nghị bỏ điểm c khoản 3 điều 39 bởi quy định không thi hành án tử hình đối với người phạm tội vì mục đích kinh tế nếu sau khi bị kết án đã khắc phục hậu quả dễ dẫn tới cách hiểu dùng tiền để thoát án tử.
Về nội dung này, Thường trực UBTP cho rằng quy định loại tội phạm “có mục đích kinh tế” là không rõ, cần phải quy định cụ thể hơn và người phạm tội này phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. Do vậy, Thường trực UBTP đề nghị chỉnh lại điểm này như sau: Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng không nên áp dụng quy định với “tội nhận hối lộ” như phương án trên, vì nhận hối lộ là rất nghiêm trọng, là hành vi chủ động để tham nhũng. Tuy nhiên, ông đồng tình với quan điểm xem xét không thi hành án tử hình với tội tham ô tài sản vì tham ô có rất nhiều hình thức. Ông Hà Hùng Cường tán thành quan điểm miễn tử hình với người phạm tội tham ô tài sản nếu lập công lớn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật không nên đưa vào quy định xem xét không tử hình với tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, mức tiền nhận hối lộ bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm hình sự cần nghiên cứu cho phù hợp hơn vì mức 2 triệu đồng trở lên như luật hiện hành là quá thấp. Chủ tịch QH cũng băn khoăn về việc miễn án tử với tội phạm tham nhũng do “lập công lớn” là chưa thuyết phục.
Chốt lại nội dung này, chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Người bị tuyên tử hình về tội tham ô tài sản khi khắc phục cơ bản hậu quả và lập công lớn thì có thể xem xét không thi hành án tử hình nhưng vẫn chịu án tù dài hạn, chung thân. Còn tội nhận hối lộ thì tạm thời chưa đưa vào”.
Về trách nhiệm pháp nhân, có 2 luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình xử lý hình sự. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn: “Nếu quy định không rõ thì trách nhiệm, vi phạm của cá nhân sẽ trốn vào, chui vào pháp nhân”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết UBTP và cơ quan soạn thảo thống nhất chọn phương án 1, tức xử lý hình sự pháp nhân.
Bình luận (0)