Theo Bộ Tư pháp, kết quả thi hành án (THA) dân sự có tăng lên so với trước đây nhưng không thật bền vững. Số lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số vụ việc và số tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn, có xu hướng tăng lên (năm 2013 còn tồn 239.144 vụ việc).
Trình tự, thủ tục phức tạp
Theo Bộ Tư pháp, nguyên nhân của thực trạng nói trên là do một số quy định của Luật THA dân sự năm 2008 không còn phù hợp; quy định về trình tự, thủ tục còn phức tạp, thiếu thống nhất và chưa tạo điều kiện cho người được THA, người phải THA thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình...
Cơ quan soạn thảo dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THA dân sự cho rằng luật hiện hành chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động của tòa án với hoạt động của cơ quan THA dân sự; chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tòa án đối với công tác THA dân sự cũng như cơ chế phối hợp với các cấp chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, việc phân loại án vẫn chưa chính xác, vẫn còn tình trạng chuyển từ án có điều kiện sang không có điều kiện. Trong khi đó, tòa án không nắm được bản án, quyết định mà tòa án đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không. Không ít trường hợp quyết định của tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc giải thích của tòa án đối với yêu cầu của cơ quan THA còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài.
Theo một thành viên ban soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THA dân sự, một số quy định của luật hiện hành chưa đồng bộ với pháp luật liên quan trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, tài chính, ngân hàng, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính..., nhất là các quy định về kê biên, phong tỏa tài sản THA, đấu giá tài sản THA, xử lý tài sản THA trong trường hợp là tài sản cầm cố, thế chấp. Hơn nữa, luật chưa có biện pháp, chế tài cần thiết, đủ sức răn đe đối với người phải THA, dẫn tới việc chây ì thực hiện.
Cần gắn chặt với trách nhiệm của tòa án
Từ kinh nghiệm thực tiễn, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng THA dân sự đang gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Theo ông, khâu gây bức xúc nhất không phải do các quy định của pháp luật mà do con người sử dụng các công cụ pháp luật đó. “Họ tìm mọi cách để “hành” người dân. Người dân cầm bản án trong tay đưa tới đề nghị thi hành thì họ lại yêu cầu người dân đi xác minh tài sản. Trong khi đó, nếu muốn THA xác minh điều kiện tài sản thì phải mất thêm tiền. Số tiền này có thể lên tới vài chục triệu đồng. Người dân nhờ tới thừa phát lại, số tiền cũng không ít hơn” - luật sư Hậu băn khoăn.
Bộ Tư pháp cho rằng THA dân sự nên là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, gắn liền với việc thực hiện quyền lực tư pháp của tòa án. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế: tòa án là cơ quan xét xử, cơ quan THA chấp hành, tổ chức thi hành bản án. Chính vì thế, dự thảo luật cho rằng cần quy định cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa tòa án và cơ quan, tổ chức THA dân sự, bảo đảm trách nhiệm của tòa án đối với hoạt động THA dân sự. Ngoài các loại quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của tòa án như quy định hiện hành, tòa án cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp. Đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, qua đó cũng xác nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc gắn chặt trách nhiệm của tòa án vào tính khả thi của bản án là rất cần thiết. Tuy nhiên, chế tài cụ thể đối với những chấp hành viên không tuân thủ quy định cũng phải rõ ràng. Hiện nay, rất nhiều bản án đã có hiệu lực từ lâu nhưng cơ quan THA luôn viện dẫn đủ lý do để trì hoãn, người dân khiếu nại về thái độ của THA thì cũng không có cơ quan nào giải quyết.
Xử nghiêm hành vi trì hoãn
Để bảo đảm THA được tiến hành chặt chẽ, dự thảo quy định việc chánh án tòa án cố ý không ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành hoặc thủ trưởng cơ quan THA dân sự cố ý không ra quyết định THA, ra quyết định về THA trái pháp luật; chấp hành viên cố ý không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc THA, áp dụng biện pháp cưỡng chế THA trái pháp luật thì tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)