Ngày 2-8, Bộ Công Thương cho biết đơn xin nghỉ công tác vì lý do cá nhân của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã được gửi đến bộ này vào ngày 28-7. Việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan liên quan.
Được cho tạm nghỉ phép
"Bộ Công Thương đã báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét đơn của bà Thoa. Sau khi có chỉ đạo của cơ quan thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện" - một lãnh đạo của Bộ Công Thương nói và còn cho biết bà Thoa đang nghỉ phép. Công việc bà Thoa đảm nhiệm tạm thời giao cho Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
Đồ họa: Vương Fương Anh
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) kỷ luật cảnh cáo đối với bà Thoa, đồng thời kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ, cho biết trường hợp bà Thoa bên Đảng xử lý kỷ luật cảnh cáo về những vi phạm của ủy viên Ban Cán sự Đảng, tiếp theo là kiến nghị chính quyền xử lý. Chính phủ phải xem xét việc miễn nhiệm, xử lý chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Thoa. Bộ Nội vụ giúp Chính phủ hướng xử lý, sau đó trình Chính phủ quyết định miễn nhiệm hay không. Việc bà Thoa xin nghỉ công tác sau khi có kết luận của UBKTTƯ về xử lý đảng viên là không thể chấp nhận, vì như thế là trốn tránh kỷ luật. Dù đã gửi đơn xin thôi việc nhưng bà Thoa vẫn phải chờ thi hành kỷ luật, khi có quyết định kỷ luật mới xét đến việc có được xin thôi việc hay không.
Phải chờ kỷ luật
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết sau khi Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương họp, có báo cáo gửi Ban Cán sự Đảng Chính phủ, cơ quan này sẽ báo cáo Ban Bí thư trung ương xem xét. Bà Thoa đang trong diện chờ xem xét kỷ luật nên phải đợi cơ quan thẩm quyền đưa ra hình thức kỷ luật, sau đó mới xét đến việc có cho nghỉ việc theo nguyện vọng hay bắt buộc phải nghỉ việc vì vi phạm. Nếu kỷ luật không đến mức cách chức thì đơn xin thôi việc sẽ được xem xét theo quy trình thông thường, kỷ luật cách chức thì đơn ấy sẽ không có ý nghĩa.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết Văn phòng Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, bà Thoa thuộc diện Ban Bí thư quản lý nên Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ xin ý kiến của Ban Bí thư, trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ quyết định.
Các trường hợp xem xét miễn nhiệm
Theo quy định của Bộ Chính trị, việc xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ căn cứ vào một trong các trường hợp: Cán bộ bị kỷ luật, cán bộ vi phạm pháp luật thuộc một trong các trường hợp: Bị cảnh cáo hoặc khiển trách mà yêu cầu nhiệm vụ công tác cần thay thế; bị cơ quan thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức cách chức hoặc bãi nhiệm. Cán bộ không đủ năng lực, uy tín để làm việc thuộc một trong các trường hợp: Trong 2 năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ không hoàn thành nhiệm vụ; trong một nhiệm kỳ hoặc hai nhiệm kỳ giữ chức vụ liên tiếp mà bị 2 lần kỷ luật liên quan chức trách được giao; để đơn vị mất đoàn kết hoặc làm đơn vị mất đoàn kết; bị cơ quan thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức cán bộ; bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định về những việc đảng viên, cán bộ, công chức không được làm. Cán bộ bị kết luận vi phạm quy định về bảo vệ chính trị nội bộ.
Quy định của Bộ Chính trị cũng nêu rõ không được từ chức trong các trường hợp: Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ do bản thân cán bộ đã thực hiện; nếu cán bộ từ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ mà đơn vị được giao. Đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bình luận (0)