Không ít người đã lập tức lên tiếng hoan nghênh mong muốn mà họ cho là cần thiết, trách nhiệm và dũng cảm của ông giám đốc bệnh viện. Ông muốn xin từ chức khi cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành điều tra, chưa có kết luận đối với vụ án về sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện do ông đứng đầu. Dù ông giám đốc bệnh viện chưa chính thức đệ đơn xin từ chức song việc ông ngỏ lời trong một cuộc họp với sự tham dự của trên 80 người, gồm cả lãnh đạo cơ quan chủ quản cùng nhiều thành phần khác, cũng có thể được xem là "nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác tỏ ý tiếc nuối trước việc ông nói muốn từ chức khi vụ án xảy ra tại bệnh viện do ông đứng đầu còn đang trong giai đoạn điều tra, chưa biết những ai sai phạm và sai phạm tới mức độ nào. Ngay tại cuộc họp kiểm điểm ông giám đốc bệnh viện với tư cách người đứng đầu để xảy ra sự cố khiến 8 trong số 18 bệnh nhân chạy thận tử vong cũng có tới 70% số phiếu kín đề nghị hình thức khiển trách, một hình thức kỷ luật không phải là nặng. Với kết quả này, chiếc ghế của ông giám đốc khá vững chãi nếu ông muốn tiếp tục "bám trụ".
Dù nhiều ý kiến khác nhau song không thể phủ nhận là tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là một sự cố đặc biệt nghiêm trọng, hiếm thấy trong ngành y tế nước nhà. Ông giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm cao nhất về mọi việc xảy ra tại đơn vị mình phụ trách. Sai phạm chính có thể do công ty bảo trì thiết bị chạy thận nhưng ông là người có trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị đầy đủ năng lực và trách nhiệm đảm nhiệm công việc liên quan tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Đứng đầu một bệnh viện để xảy ra sự cố nghiêm trọng tới mức có 8 người tử vong thì nếu có xin từ chức cũng rất nên đồng ý ngay.
Văn hóa từ chức cũng là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua. Diễn đàn Quốc hội cũng từng "nóng" lên khi đề cập tới văn hóa từ chức. Không ít những vụ án, vụ việc, dự án thua lỗ nghiêm trọng… xảy ra nhưng ít thấy làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngoài những người trực tiếp sai phạm. Nhiều vụ gây thiệt hại, sai phạm, thất thoát tới hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng song người đứng đầu cơ quan chủ quản vẫn chẳng hề hấn gì. Mới đây là trường hợp 12 dự án thua lỗ trong ngành công thương. Để xảy ra tới 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng kéo dài trong nhiều năm song vẫn chưa thấy một lãnh đạo bộ chủ quản nào bị nêu danh.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhấn mạnh tới trách nhiệm người đứng đầu. Rồi đây chắc chắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm sẽ được lượng hóa cụ thể để người dân và xã hội không còn phải bức xúc cho rằng "văn hóa từ chức" là một thứ xa xỉ.
Bình luận (0)