Bộ Nội vụ vừa có báo cáo về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV theo Nghị quyết của Quốc hội gửi đến kỳ họp Quốc hội thứ 3, dự kiến khai mạc ngày 22-5.
Nội dung đáng chú ý của báo cáo là việc tổ chức thực hiện Đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế năm 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 tổng cộng là 22.763 người, trong đó có tới 19.564 người về hưu trước tuổi.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết đến nay, nhiều nơi vẫn chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021 và chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế năm 2015-2021. Tinh giản biên chế nhưng chưa chú trọng việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản.
Theo Bộ Nội vụ, từ nay đến năm 2021, mỗi năm, các bộ, ngành, địa phương giảm 1,5%-2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Những nơi chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới thì tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế được giao.
Đối với các đơn vị sự nghiệp do nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong tổng số người được cấp có thẩm quyền giao.
"Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm về việc tinh giản biên chế. Nếu không hoàn thành kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, nhà nước" - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh.
Để xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, TP báo cáo thực trạng hệ thống tổ chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thời hạn gửi báo cáo về Bộ Nội vụ trước ngày 15-1. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Nội vụ mới chỉ nhận được báo cáo của 25 bộ, ngành và 39 địa phương. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ khảo sát phục vụ xây dựng đề án này tại 7 bộ và 14 tỉnh, TP từ tháng 5 đến tháng 6-2017.
Kiểm điểm, xử lý người sai phạm
Trong 2 tháng cuối năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Bộ Nội vụ đã thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức tại các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, TP. Bộ Nội vụ đã phát hiện và kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; yêu cầu các cơ quan, đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và có biện pháp xử lý đối với những cá nhân, tổ chức liên quan.
Bình luận (0)