Ông Huỳnh Tấn Lợi, một người dân ở Phú Yên, chứng kiến cảnh hàng trăm ha rừng tự nhiên bị đốn hạ để giao đất cho Công ty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên, đã thốt lên như thế.
Người dân Phú Yên cũng như dân chúng cả nước đang rất phẫn nộ trước tình trạng lợi dụng chuyển giao đất rừng để ngang nhiên phá rừng mặc dù Chính phủ đã có lệnh cấm, chỉ đạo đóng cửa rừng.
Cần nhắc lại ngày 20-6-2016, tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai. Mới đây, ngày 11-3, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017, Thủ tướng một lần nữa tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ rừng. Thủ tướng nhấn mạnh mọi hành vi phá rừng là tội ác.
Thế nhưng, rừng vẫn đang “chảy máu” với nhiều cánh rừng tự nhiên ở Phú Yên nói riêng bị tàn phá liên tục thời gian gần đây. Bất tuân lệnh đóng cửa rừng, 273 ha rừng tự nhiên ở 2 tiểu khu 310 và 311 thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Hinh bị triệt hạ một cách “thần tốc” để lấy đất giao cho nhà đầu tư triển khai dự án “Nuôi bò thịt chất lượng cao”. Nó “thần tốc” không chỉ bởi mỗi ngày có khoảng 20 cưa máy với hàng chục nhân công được huy động vào rừng để đốn hạ cây mà còn bởi tỉnh Phú Yên bỏ qua khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, sẵn sàng cho triệt hạ rừng trước khi chủ đầu tư có phương án trồng rừng thay thế.
Cũng tại xã Sông Hinh, ngày 22-6-2016, tòa án huyện Sông Hinh đã đưa ra xét xử và tuyên phạt từ 9 tháng tù treo đến 1 năm 6 tháng tù giam đối với 4 người trong 1 gia đình vì phá hơn 1,6 ha rừng lấy đất làm nương rẫy. Trong đó, bà Triệu Thị Liều đã 80 tuổi vẫn phải chịu án. Cả gia đình còn phải bồi thường hơn 300 triệu đồng vì gây thiệt hại do phá rừng.
Cái giá phải trả của người dân khi phá hơn 1,6 ha rừng là vậy. Còn cái giá nào cho 273 ha rừng đã và đang bị đốn hạ? Tòa án nào tuyên cho hành vi “phá rừng hợp pháp”?
Người dân miền Trung, trong đó có Phú Yên đã sợ lắm những trận lũ. Vẫn còn đó nỗi đau khi gần 100 người ở Phú Yên thiệt mạng, cả một ngôi làng bị quét sạch trong trận lũ năm 2009. Vẫn còn đó hình ảnh những cô giáo ngâm mình trong nước lũ để đỡ các em mẫu giáo bám vào khung cửa trường chịu đựng qua cơn lũ cũng ở tỉnh này. Có thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu, thiên tai nhưng không thể không nghĩ đến nguyên do từ việc phá rừng. Người dân vùng hạ lưu sông Ba không thể không lo một khi 273 ha rừng tự nhiên biến mất để trồng cỏ nuôi bò.
Để tai nạn giao thông tăng, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Để xảy ra mất rừng tự nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm. Có như vậy thì lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ mới được thực hiện nghiêm
Bình luận (0)