Trong bối cảnh sản xuất đình trệ vì thiếu nguyên - phụ liệu, được chính quyền TP HCM “bật đèn xanh”, hàng loạt cơ sở sản xuất, xí nghiệp như Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp Thuốc lá, Xí nghiệp Cầu Tre, Dệt Thành Công, Dệt Phong Phú... lúc bấy giờ bung ra làm ăn, về sau trở thành những ngọn cờ đầu trong đổi mới.
Những ngọn cờ đầu
Bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên bí thư chi bộ kiêm phó giám đốc Nhà máy Dệt Thành Công (trước đó là Nhà máy Dệt Tái Thành), kể: Những ngày đầu tiếp quản, nhà máy có 136 máy dệt thoi nhưng chỉ 36 máy hoạt động, dệt kim thì 2/9 máy chạy, máy hồ bỏ nguyên chưa lắp ráp nhưng bị mất nhiều phụ tùng. “Chúng tôi kiên quyết không “làm thịt máy chết” (tháo phụ tùng đem bán) mà phải làm mọi cách để phục hồi nhưng lại vướng về tài chính vì chủ trương không cho chi quá 500 đồng tiền mặt để mua phụ tùng.
Ban lãnh đạo nhà máy bàn bạc làm kế hoạch cụ thể, trình ngân hàng kế hoạch tài chính mua phụ tùng. Tôi trực tiếp hướng dẫn phòng cung tiêu ra các cửa hàng mậu dịch quốc doanh xem có bán các phụ tùng để sửa máy không, nếu không có thì yêu cầu mậu dịch viên ghi rõ trong dự trù nhà máy là “không có” để xí nghiệp mua ở thị trường tự do.
Chúng tôi tiết kiệm từng đồng, quản lý rất chặt chẽ, anh em trong sạch. Đến năm 1980, 100% máy hoạt động, chạy 24/24 giờ và không phải tốn USD để mua phụ tùng như một số nhà máy bạn” - bà Nguyễn Thị Đồng cho biết.
Máy phục hồi xong nhưng như nhiều nhà máy khác, Dệt Thành Công chới với vì không được cấp đủ sợi cho sản xuất. Không có nguyên liệu, công nhân phải bỏ nhà máy đi trồng mì, trồng rau, nuôi bò. Không chịu bó tay, Dệt Thành Công tận dụng tơ rối tồn kho nối lại, đem dệt vải bán ra thị trường.
Bà Đồng kể thêm: “Theo cơ chế cũ, vải dệt ra phải bán cho Liên hiệp Dệt nhưng đây là sản phẩm do chúng tôi tự lực nên chúng tôi có quyền chọn đơn vị mua. Song song đó, chúng tôi dùng những mặt hàng có giá trị bán cho các công ty thủy sản và Công ty Du lịch Sài Gòn xuất khẩu, thu về 82.000 USD.
Có USD, được Thành ủy, UBND TP HCM tích cực ủng hộ, chúng tôi vay ngân hàng 1,7 triệu USD để nhập máy móc, nguyên liệu sản xuất…; đến năm 1981 thì trả hết lãi vay, còn lãi 1,3 triệu USD. Số tiền này được dùng để nhập 60 tấn sợi, 200 tấn hóa chất, thuốc nhuộm và nộp ngân sách nhà nước. Nhà máy được thành phố cắm cờ điển hình tiên tiến toàn diện”.
Liên hiệp Thuốc lá 2 (hợp nhất Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn và Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội) xé rào theo kiểu khác. Bà Nguyễn Thị Dụ, nguyên Bí thư Đảng ủy Liên hiệp Thuốc lá 2, hồi tưởng: “Chúng tôi tiếp quản nhà máy trong điều kiện không có nguyên liệu, nhà máy phải tổ chức cho công nhân đi trồng thuốc lá và đến tận nơi cùng thu hoạch, phơi sấy. Thiếu thốn đủ thứ, đến năm 1980, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Tới tháng 11 rồi mà mới đạt 60% kế hoạch năm, còn thiếu 62 triệu bao.
Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Thành ủy đã trực tiếp xuống nhà máy nắm tình hình, triệu tập cuộc họp chỉ đạo bên Xí nghiệp Giấy Tân Mai cung cấp giấy, Nhà in Liksin in nhãn, Sở Thương mại thì giúp bữa ăn cho công nhân. Máy chạy liên tục không ngừng, đúng ngày 31-12 thì bao thuốc lá thứ 62 triệu ra đời, hoàn thành kế hoạch năm”.
Sau chiến dịch ấy, Liên hiệp Thuốc lá 2 bắt đầu tính tiền lương theo đơn vị sản phẩm, bữa ăn công nhân cũng được tính toán lại, nhờ vậy họ hăng say làm việc, năng suất tăng. Đời sống công nhân được cải thiện, công ty cũng có tiền để chủ động nhập nguyên - phụ liệu. Cũng vào thời kỳ này, TP HCM đã kiến nghị trung ương cho các xí nghiệp xuất nhập khẩu được trực tiếp giao dịch với khách hàng sau khi hoàn thành chỉ tiêu xuất đại ngạch cho trung ương theo kế hoạch.
Cách làm hay, trung ương phải nghe
Giai đoạn đó, cách xé rào của các nhà máy được Thành ủy, UBND TP HCM ủng hộ, cắm cờ điển hình tiên tiến nhưng cơ quan chủ quản là Bộ Công nghiệp nhẹ lại không đồng tình. Các đoành thanh - kiểm tra từ trung ương vào làm việc tới tấp nhưng không phát hiện sai phạm gì nên cuối cùng trung ương đã thừa nhận TP HCM biết làm mới, đi đúng hướng.
Nhìn lại một thập niên đầu sau giải phóng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhắc lại lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi đó là thời kỳ “tháo gỡ, cởi trói”. Còn TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, thì nhấn mạnh: “TP HCM đã xé rào để tìm chân lý thực tiễn từ cuộc sống, không chịu bó tay trước khó khăn, thách thức cũng như những trói buộc về thể chế”.
Cũng theo ông Lịch, đến đầu những năm 1980, TP HCM đã mạnh dạn thử nghiệm Kế hoạch 3 phần (kế hoạch nhà nước giao; khai thác nguyên liệu từ tận dụng phế liệu, phế thải và liên kết với các xí nghiệp, địa phương để sản xuất); mở rộng xuất khẩu trực tiếp với vốn tự có để chủ động nhập nguyên liệu, tự cân đối cho sản xuất của địa phương, đồng thời bổ sung cho các doanh nghiệp trung ương trên địa bàn. Việc thử nghiệm mang lại kết quả to lớn, giúp nhiều xí nghiệp phục hồi sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện, thành phố có nguồn hàng hóa phục vụ cho mạng lưới thương nghiệp bán lẻ.
Ghi đậm dấu ấn lãnh đạo
Trong vai trò Phó Chủ tịch UBND TP HCM trong những năm tháng đột phá ấy, ông Phạm Chánh Trực đánh giá: “TP HCM xé rào, thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động, phù hợp với thực tế nhưng đi ngược chủ trương chung, trái với quy định về kinh tế kế hoạch tập trung. Do vậy, vai trò của những lãnh đạo giai đoạn đó rất quan trọng: Anh Võ Văn Kiệt sâu sát thực tiễn, làm rõ ra những mâu thuẫn đang tồn tại và dám xé rào, dám chịu trách nhiệm.
Khi anh Kiệt ra trung ương nhận nhiệm vụ mới, anh Nguyễn Văn Linh về TP HCM, tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp tình hình xé rào rồi báo cáo Bộ Chính trị; tổ chức cho Bộ Chính trị vào nghe các giám đốc doanh nghiệp trình bày thực tiễn. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị có nghiên cứu tình hình, thừa nhận quy luật mới nên phải tuân thủ và phải thực hiện. Nhờ vậy, Đại hội Đảng lần VI (1986) đã thay đổi đường lối theo hướng đổi mới”.
Kỳ tới: Những “quả đấm” đầu tiên
Bình luận (0)