Ngày 23-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an tỉnh Bình Định cho biết vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an về việc xử lý vụ hàng loạt tàu vỏ thép ở địa phương này vừa hạ thủy chưa lâu đã hỏng. Hiện PA81 vẫn đang phối hợp tổ thẩm định tàu vỏ thép của tỉnh để theo dõi, nắm tình hình.
Có báo cáo sơ bộ
"Phải chờ quyết định của UBND tỉnh Bình Định thông qua kết quả thẩm định tàu vỏ thép như thế nào. Cùng với đó là tỉnh có yêu cầu các doanh nghiệp đóng tàu bồi thường hay không bồi thường, trách nhiệm liên đới giữa các bên liên quan ra sao... rồi mới tính tiếp" - vị cán bộ PA 81 này cho biết.
Ngư dân tỉnh Bình Định đưa ra bằng chứng nhiều thiết bị được lắp trên tàu vỏ thép không đúng như trong hợp đồng
Trước đó, ngày 22-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có báo cáo sơ bộ về kết quả thẩm định 17/18 tàu vỏ thép hư hỏng. Trong đó, 14 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở ở TP Hải Phòng) đóng, 4 tàu còn lại do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở ở tỉnh Nam Định) đóng. Báo cáo cho thấy nhiều vỏ tàu bị gỉ sét nặng, hàng loạt thiết bị lắp đặt không đúng hợp đồng, nhất là 9 động cơ gắn trên 9 tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng không phải máy thủy chính hãng mà có dấu hiệu hoán cải từ máy bộ.
Giải thích về sự cố động cơ trên, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết nội dung trong hợp đồng ký kết với đơn vị cung cấp máy chính là Công ty TNHH TM - XNK Hoàng Gia Phát (trụ sở ở TP HCM), 2 bên đã thỏa thuận lắp đặt máy thủy mới 100% chính hãng Mitsubishi. "Tuy nhiên, vì là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng đóng tàu trọn gói với ngư dân nên trước mắt chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm thay máy thủy mới chính hãng Mitsubishi và khắc phục những hư hỏng trên các tàu cho ngư dân sớm ra khơi. Đối với đơn vị cung cấp máy, chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan chủ quản là Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an rồi có hướng xử lý sau" - ông Hùng nói.
Cẩu thả, thiếu trách nhiệm
Theo luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định, một trong những nội dung về chất lượng tàu vỏ thép đã được tổ thẩm định làm rõ là cơ sở đóng tàu đã thực hiện không đúng hợp đồng với ngư dân bằng việc lắp hàng loạt động cơ không phải máy thủy mới chính hãng. Về dân sự, cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm tháo ra, lắp máy thủy chính hãng mới 100% như đã cam kết; đồng thời bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại trong thời gian tàu hỏng, không ra khơi được. Còn về hình sự, các cơ sở đóng tàu và những đơn vị liên quan dùng máy thủy không chính hãng như đã cam kết trong hợp đồng thì có dấu hiệu phạm tội "Lừa dối khách hàng". Tuy nhiên, do động cơ được cơ sở đóng tàu ký hợp đồng với nhà cung cấp nên cần xem xét hành vi này do đơn vị nào gây ra.
Một thẩm phán kỳ cựu của ngành tòa án tỉnh Bình Định cho rằng qua theo dõi diễn biến sự việc trên báo chí, ông thấy lỗi dẫn đến những con tàu vỏ thép hư hỏng chủ yếu là do các cơ sở đóng tàu làm ăn cẩu thả, thiếu trách nhiệm gây ra. Nếu các chủ tàu vỏ thép kiện ra tòa thì chắc chắn các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm thay thế thiết bị, vật tư, máy móc... như trong hợp đồng đã ký. Không chỉ vậy, vị thẩm phán này cũng khẳng định cơ sở đóng tàu phải bồi thường thiệt hại cho chủ tàu trong những chuyến đi biển bị lỗ và thời gian dài nằm bờ do tàu bị hư hỏng.
Sẽ đề nghị chủ tàu thống kê thiệt hại
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết sau khi có kết luận chính thức về chất lượng tàu vỏ thép báo cáo UBND tỉnh, sở này sẽ đề nghị các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng thống kê thiệt hại trong quá trình đánh bắt cũng như thời gian nằm bờ để có cơ sở yêu cầu các cơ sở đóng tàu bồi thường. Còn vụ việc này có xử lý hình sự hay không thì phải chờ quyết định của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng sau khi xem xét báo cáo kết quả thẩm định.
Bình luận (0)