xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trạm BOT 1 đằng, đường 1 nẻo: Dân trả phí oan!

Bảo Trân

(NLĐO)- Kiểm toán Nhà nước vừa công bố trạm thu phí BOT đặt trên tuyến đường không gắn với dự án dẫn đến người dân không đi nhưng vẫn phải trả phí oan cho nhà đầu tư.


Đoàn giám sát của UBTVQH với Kiểm toán Nhà nước về các dự án BOT - Ảnh: Bảo Trân

Đoàn giám sát của UBTVQH với Kiểm toán Nhà nước về các dự án BOT - Ảnh: Bảo Trân

Sáng nay 21-2, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)”.

Tại buổi giám sát, Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành cho biết kết quả kiểm toán 27 dự án BOT.

Một vấn đề đáng chú ý là bất cập trong vị trí của trạm thu phí. Cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định và khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70 km.

Tuy nhiên trên thực tế, vị trí trạm thu phí theo quy định khoảng cách các trạm thu phí 70km nhưng thực tế xảy ra 2 tình trạng. Thứ nhất là trạm thu phí cho dự án nhưng đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Thứ 2 là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km, tuy nhiên các trạm này đều được sự chấp thuận giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm.

Với quy định nếu không đảm bảo khoảng cách chỉ cần sự thoả thuận giữa Bộ GTVT, Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm, quốc lộ bị chia cắt thành nhiều khúc, xen kẽ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và đầu tư theo hình thức BOT để đặt trạm thu phí có khoảng cách không đảm bảo 70km nhưng đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh chấp thuận gây bức xúc cho người dân.

Do vậy, KTNN kiến nghị cần phải quy định rõ ràng hơn về vị trí đặt các trạm thu phí như: trạm thu phí phải đặt trên dự án thực hiện; khoảng cách giữa các trạm tối thiểu 70km.

Về mức phí, KTNN cho hay hiện nay ngoài các dự án đường cao tốc thu phí tính theo số km đi trên dự án, các dự án còn lại mức thu phí theo quy định tại thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, mỗi phương tiện khi qua trạm thu phí không kể chiều dài đi được bao nhiêu đều có mức thu phí là như nhau.

Điều này sẽ rất khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hàng ngày phải di chuyển qua trạm thu phí, tuy rằng đi với quãng đường rất ngắn nhưng lại phải trả phí rất cao.

Mặt khác, trong vận hành, khai thác chưa có kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí. Trong khi đây là tiêu chí quan trọng nhất để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án được đầu tư theo hình thức BOT.

Về mức thu phí, việc cứ qua trạm thu phí là thu phí không kể chiều dài đi được là bao nhiêu đều có mức thu như nhau gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN) tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hàng ngày phải di chuyển qua lại trạm thu phí dù đi quảng đường rất ngắn nhưng lại trả phí rất cao. Do vậy cần quy định mức thu phí với người dân địa phương nơi đặt trạm thu phí.

Về lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định qua 2 trường hợp đấu thầu và chỉ định thầu tuy nhiên đều rất khó khăn cho quản lý, kiểm tra kiểm soát. Hầu hết các dự án BOT đều theo hình thức chỉ định thầu.

Theo KTNN, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, còn có những khoảng trống pháp luật, dễ gây thất thoát lãng phí. Hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dự án chưa được phân định và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, hiện tại trong các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án "nâng cấp, cải tạo" hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Tại nhiều dự án "nâng cấp, cải tạo" tuyến cũ, đối tượng tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà bắt buộc phải trả phí cho nhà đầu tư.

Cho ý kiến báo cáo kiểm toán, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên - Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết sau khi có dự án BOT có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất đây là nguồn vốn nhà đầu tư, xem như là nguồn vốn tư nhân nên KTNN không được vào kiểm toán. Thứ hai đây là dự án nhà nước nhưng nhà nước không đủ tiền làm nên nhượng quyền 1 thời gian nhất định để các nhà đầu tư bỏ tiền và thu phí để hoàn vốn.

Vậy thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước nói chung từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt dự án, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng định mức đơn giá, Bộ GTVT triển khai dự án và UBND các tỉnh…

"Vừa qua địa phương nói không biết việc xây dựng đơn giá là sai vì trước khi đi vào xây dựng, chủ đầu tư phải có sự thống nhất của chính quyền địa phương về đơn giá và mức phí"- ông Kiên nói.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích về thực chất vốn làm công trình BOT không phải chủ sở hữu hoàn toàn là của nhà đầu tư vì vậy KTNN vào kiểm toán công trình BOT là phù hợp. Ông Liên kiến nghị xây dựng chính sách cần chặt chẽ, tránh bị làm méo mó.

Ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương góp ý về thu phí cần quy định tiêu chuẩn được thu phí, cụ thể là tiêu chuẩn nào được thu phí để đảm bảo công khai, minh bạch. “Khoảng cách 70km có 1 trạm được tính toán trên cơ sở nào phải làm rõ để công bằng và minh bạch. Quy định về chuyển nhượng dự án cần làm rõ để tránh tình trạng chạy dự án rồi bán dự án”- ông Bình nói.


Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH, ông Dương Quốc Anh đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với dự án BOT

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH, ông Dương Quốc Anh đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với dự án BOT

Còn ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết hiện nay có 3 luật cơ bản: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng áp vào BOT có đủ chế tài “quản” không?

“Trong số 27 dự án được kiểm toán thì hầu hết là chỉ định thầu. Đặc biệt là cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương”- ông Anh đặt hàng loạt vấn đề.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Đại học GTVT nhìn nhận dự án giao thông có tuổi đời rất dài, có nhiều rủi ro như giải phóng mặt bằng chậm vì lý do khách quan...

Trong khi nhà nước mời nhà đầu tư vào thì phải hiểu rằng họ phải quam tâm lợi nhuận là hàng đầu để nhà nước phải kiểm soát và điều chỉnh để đảm bảo lợi ích cộng đồng.

“Đã công bằng, minh bạch thì phải đủ với tất cả các đối tượng: người dân được thụ hưởng, quản lý nhà nước và nhà đầu tư. Thậm chí nhà đầu tư không thể hoàn vốn thì cũng phải xem xét đến. Đối với người dân địa phương thì có các biện pháp cấp thẻ xe, biển số xe… để tạo thuận lợi đi qua lại không mất phí”- ông Thái bày tỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam đặt vấn đề phải làm rõ dự án BOT nâng cấp, cải tạo hay dự án làm mới...

"Đây là điểm hết sức bức xúc của xã hội. Chỉ cần giải quyết được tiêu chí lựa chọn dự án BOT sẽ giải quyết được hàng loạt bất cập"- ông Long gay gắt.

Theo ông Long, do đặt quá nhiều trạm thu phí khiến đối tượng thụ hưởng (ở khu vực nội bộ dự án và đường dài) có ý kiến, trong đó chủ yếu người dân ở khu vực nội bộ dự án có ý kiến. Bên cạnh đó, về lợi nhuận của nhà đầu tư liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng BOT thì việc thu phí phụ thuộc vào lưu lượng giao thông, nếu lưu lượng tăng vẫn thu phí ầm ầm, không giảm thời gian là quá sai.

"Các nước đánh giá giám sát và hiệu quả đầu tư thế nào để có điều chỉnh cần thiết thì ở nước ta gần như không có đánh giá nào. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về BOT giảm sút. Từ đó vấn đề đội giá và thi công không đảm bảo chất lượng cũng từ đó mà ra"- ông Long thẳng thắn.

Ông Hà Văn Hiền – nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng đánh giá vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án BOT là rất hạn chế dẫn đến tính minh bạch của các dự án này chưa cao, tạo hoài nghi trong dư luận xã hội.

"Hiện có tình trạng các nhà đầu tư BOT “tự tung tự tác”, dẫn đến sự thất thoát và nhiều tiêu cực khác về chất lượng, thời gian, tiến độ. Việc quản lý BOT vừa qua phần lớn thấy nêu nhà đầu tư chứ ít thấy nhắc đến quản lý nhà nước"- ông Hiền đánh giá.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị công khai kết quả kiểm toán và minh bạch thông tin các dự án BOT để người dân giám sát. "Mới kiểm toán có 27 dự án mà có tới 80% phải rút ngắn thời gian thu phí. Rút đến hàng trăm năm cho 27 dự án, tiết kiệm bao nhiêu tiền cho dân. Nếu không phát hiện ra thì thế nào?"- ông Thanh đặt vấn đề.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo