Trước đó, tại một số tỉnh - thành cũng có các đoàn cán bộ đi nước ngoài bằng tiền ngân sách với thành phần và mục đích không phù hợp, bị dư luận cho là tranh thủ lợi lộc của buổi “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Phải nói rằng ở ta, tình trạng tranh thủ đã thành phổ biến. Thủ trưởng tranh thủ xe công để đi chùa, đi lễ; vợ thủ trưởng tranh thủ tài xế hoặc trợ lý của chồng để sai vặt; cán bộ địa phương tranh thủ giờ hành chính chạy về nhà giải quyết việc tư; quan chức nhà nước tranh thủ đi nước ngoài công cán (ít hôm) để du lịch (nhiều ngày)…
Trước đòi hỏi của cuộc sống, mọi chuyện phải đi vào nề nếp. Chúng ta đang chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền có một nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp thì mọi thứ phải được quy chế hóa, quy phạm hóa, luật hóa. Thế nhưng, đáng tiếc là sự tranh thủ không hề giảm mà càng ngày càng theo chiều hướng trầm trọng, phức tạp hơn. Nếu để tình trạng tranh thủ tái diễn thì rồi đây sẽ hình thành thứ “văn hóa tranh thủ”, lúc đấy khó lòng mà đưa vào nề nếp, kỷ cương.
Đáng buồn là xã hội nhiều khi còn mơ hồ, coi tranh thủ là chuyện nhỏ, không đáng kể, chưa thấy hết hệ lụy của nó.
Thẳng thắn mà nói rằng các chỉ thị có tính chất hành chính, như cấm đi du lịch nước ngoài bằng công quỹ, cấm sử dụng xe công vào việc riêng… mấy năm qua đã không mấy hiệu nghiệm. Có lẽ phải thay bằng phương thức khác, bền vững và căn cơ hơn. Cụ thể như thành lập các công ty dịch vụ phục vụ cho hoạt động của những cơ quan hành chính; kinh phí hoạt động hành chính đưa về các công ty này. Cơ quan cần xe thì ký hợp đồng với công ty, bảo đảm sẽ được phục vụ đầy đủ các nhu cầu công vụ. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều, tránh tình trạng lạm dụng, biến xe công thành “xe ông”, ngoài ra còn giảm đáng kể biên chế tài xế.
Bên cạnh đó, nếu thực hiện phương thức hợp đồng dịch vụ tương tự đối với các mảng như vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căng-tin... thì sẽ tinh gọn được bộ máy của cơ quan. Đây là một xu thế xã hội hóa bước đầu của các cơ quan công vụ.
Có thể thấy phần lớn những chuyến du lịch “hoàng hôn nhiệm kỳ” do các công ty xổ số ở địa phương (doanh nghiệp nhà nước) tài trợ. Vì vậy, cần đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Những lĩnh vực có yếu tố độc quyền như xăng dầu, điện, nước, thậm chí là ngân hàng, nhà nước đều có phương án cổ phần hóa được thì đối với các công ty xổ số cũng hoàn toàn có thể cổ phần hóa nhằm cắt “bầu sữa” cho các chuyến đi học tập, nghiên cứu “ma”. Mở rộng ra nhiều lĩnh vực và nhiều đối tượng khác, hy vọng rằng khối tài sản, công quỹ đang được quản lý lỏng lẻo sẽ bớt bị xà xẻo bởi muôn vàn kiểu tranh thủ đã kể trên.
Bình luận (0)