Đúng 5 giờ ngày 1-12, tàu cá số hiệu QNg 95861 TS chở thi thể ngư dân Trương Đình Bảy (42 tuổi) và 13 thuyền viên khác cập cảng Sa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi) trong sự chờ đón của hàng trăm người dân. Chứng kiến những vết đạn còn hằn trên thi thể ngư dân này, cả làng chài rơi nước mắt.
Hai vết đạn ở ngực
Ngay khi tàu cập cảng, các ngư dân của tàu được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và cơ quan công an lấy lời khai, điều tra vụ việc. Bước đầu, công an thu giữ bản xác nhận của Lữ đoàn 146 Trường Sa (đóng tại đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) xác nhận việc ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết, 4 vỏ đạn còn sót lại trên tàu và kiểm tra những vết đạn hằn trên thân tàu.
Mở nắp hầm cá, thuyền trưởng Bùi Văn Cu (ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nói với đại diện cơ quan công an: “Anh Bảy đã nằm ở đây suốt nhiều giờ rồi, phải chịu nhiều oan ức lắm”.
Bà Mai Thị Long (vợ ông Bảy) và 3 người con liên tục gọi tên ông Bảy. Trong chốc lát, họ ngất lịm, người thân phải đưa về nhà. Ngay sau đó, công an tiến hành khám nghiệm tử thi.
Thuyền trưởng Bùi Văn Cu kể tàu xuất bến ngày 21-11, hướng ra Trường Sa đánh bắt cá. Khoảng 18 giờ 10 phút ngày 26-11, trong khi tàu neo đậu tại đảo Suối Ngọc (thuộc quần đảo Trường Sa) để thả 2 ca nô cho 12 thuyền viên đi lặn ở các rạn san hô gần đó, trên tàu chỉ còn lại ông và ông Trương Đình Bảy.
“Bất ngờ xuất hiện 2 xuồng máy chở 8 người ập tới, áp sát tàu chúng tôi. Ngay lập tức, 3 người cầm 2 khẩu súng nhảy lên tàu. Thấy thế, tôi nói anh Bảy chặt dây neo để nổ máy tàu nhưng một tên trong nhóm người nói trên đã nổ 2 phát đạn khiến anh Bảy gục ngã. Lúc đầu, tôi tưởng anh Bảy giằng co với tên này nên lao vào giựt súng khiến hộp đạn rớt ra ngoài và tôi xô hắn xuống biển, 2 tên còn lại cũng nhảy xuống biển. Sau đó, bọn chúng lên xuồng máy bỏ đi” - ông Cu kể và cho biết nhóm người nã súng vào ông Bảy mặc áo quần bình thường nên không rõ người nước nào. “Chúng giống như một nhóm cướp biển. Khi bọn chúng đi rồi, tôi thấy anh Bảy người bê bết máu. Lúc này, tôi phát tín hiệu báo cho các ngư dân khác về tàu, sau đó đưa anh Bảy vào đảo Đá Nam cứu chữa nhưng không kịp” - ông Cu nghẹn ngào.
Ngư dân Nguyễn Tấn Pha, thuyền viên trên tàu QNg 95861 TS, cho biết: “Lúc xảy ra sự việc, tôi không chứng kiến nhưng khi trở về tàu thì thấy anh Bảy người bê bết máu. Khu vực chúng tôi đánh bắt gần đảo Suối Ngọc. Từ trước tới giờ, chúng tôi vẫn đánh bắt ở đó, không có chuyện gì xảy ra. Khu vực này thỉnh thoảng cũng xuất hiện tàu cá Trung Quốc, Philippines”.
Vô nhân đạo, tàn nhẫn
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi, cho biết hội đã có báo cáo gửi Hội Nghề cá trung ương. “Chúng tôi cật lực phản đối hành động bắn chết ngư dân. Dù thế nào đi nữa, hành động nã đạn vào tàu cá dân sự là quá vô nhân đạo, tàn nhẫn với ngư dân” - ông Hoàng nói.
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin. “Chúng tôi đang tiến hành giám định vỏ đạn, lấy lời khai ngư dân, đo lại những vết tích các vỏ đạn trên thân tàu và sẽ đối chiếu với máy đo định vị để xác định tọa độ các ngư dân đánh bắt mới có thể hy vọng tìm ra manh mối sự việc” - vị này nói.
Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cũng đã thay mặt hội ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại trung ương để phản đối việc ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định “hành động nói trên là phi pháp, vô nhân đạo, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của ngư dân khi đi khai thác hải sản trên biển”.
Ngoài ra, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp giải quyết kịp thời sự việc trên, quyết liệt ngăn chặn những hành động phi pháp, vô nhân đạo và tăng cường bảo vệ ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị liên quan để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đi khai thác trên biển đúng pháp luật; động viên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất theo tổ đội để hỗ trợ, giúp đỡ nhau đạt hiệu quả.
Sáng 1-12, ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình ngư dân Trương Đình Bảy. Theo đó, tổng số tiền hỗ trợ 15 triệu đồng là từ UBND huyện Bình Sơn, Hội Nghề cá Quảng Ngãi và Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi.
Phải căn cứ kết quả xác minh
Ngày 1-12, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ tàu cá QNg 95861 TS bị tấn công ở khu vực quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam, đồng thời chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này. “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam” - ông Bình nhấn mạnh.
Cùng ngày, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lưu Văn Huy cho biết hiện Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cử đoàn công tác vào tỉnh Quảng Ngãi để thăm hỏi thân nhân của gia đình ngư dân bị bắn tại Trường Sa, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng địa phương điều tra, xác minh vụ việc. “Chúng tôi sẽ có thông báo sau khi xác minh, làm rõ sự việc” - ông Huy nói.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cơ quan này không vào cuộc điều tra vụ việc ngư dân bị bắn ở Trường Sa vì nằm ngoài thẩm quyền của cảnh sát biển. Trả lời về việc giả sử toán người bắn ngư dân Việt Nam là cướp biển, liệu Cảnh sát biển Việt Nam có vào cuộc điều tra hay không, Tư lệnh Cảnh sát biển cho rằng không thể đặt giả định như vậy. “Chúng ta phải căn cứ và phát ngôn theo kết quả xác minh, điều tra của cơ quan có thẩm quyền” - ông Đạm nói.
D.Ngọc - V.Duẩn
Bình luận (0)