xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Truy về môi trường, nợ xây dựng cơ bản

QUÝ HIỀN - THÙY DƯƠNG

Hà Nội: Quy trách nhiệm vụ vỡ đường ống nước sông Đà. TP HCM: Kỷ luật lãnh đạo quận, huyện nếu không bảo đảm quyền lợi người dân có đất chưa bị thu hồi

Phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Đào Anh Kiệt sáng 10-7 đã chiếm 2/3 thời gian của phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày họp thứ ba của HĐND TP HCM.

Ô nhiễm : Bài học Hào Dương

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Lâm hỏi: Qua tiếp xúc cử tri, nhân dân quận 12 vẫn còn bức xúc vì ô nhiễm ở nhiều nơi. Vậy chừng nào giải quyết và giải quyết như thế nào? ĐB Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP, truy tiếp: “Vụ này UBND TP có văn bản chỉ đạo rất chi tiết đối với UBND quận 12 và Sở Tài nguyên và Môi trường. Vậy công tác tham mưu của chủ tịch UBND quận 12 đến đâu?”. “Qua đây làm tôi nhớ lại vụ Công ty Hào Dương. Ô nhiễm kéo dài nhiều năm liền, sở - ngành xử lý không cương quyết, tham mưu không rõ nên đến khi UBND TP vào cuộc thì sai phạm mới được giải quyết” - ĐB Lê Mạnh Hà lưu ý.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch UBND quận 12, báo cáo đến nay, quận đã làm xong 3 việc: Lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; lập bản đồ hiện trạng vị trí quy hoạch; làm việc với các doanh nghiệp (DN) có ngành nghề gây ô nhiễm. “Từ 45 DN gây ô nhiễm hiện giảm còn 25. Biện pháp giải quyết hiệu quả nhất là di dời các DN này lên KCN Thành Thành Công ở tỉnh Tây Ninh và quận cũng đang phối hợp với tỉnh Tây Ninh để di dời, đã triển khai xong với các DN”.

ĐB Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đề nghị xử lý kiên quyết, dứt điểm ô nhiễm môi trường ở quận 12 Ảnh: QUANG LIÊM
ĐB Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đề nghị xử lý kiên quyết, dứt điểm ô nhiễm môi trường ở quận 12 Ảnh: QUANG LIÊM

Chưa hài lòng, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi: “Tôi chưa hình dung ra cái xong ở đây”. Ông Thắng đáp: “Xong ở đây là tất cả các chủ DN đều biết sự kiên quyết thực hiện của chính quyền, nếu không thực hiện có thể sẽ bị tịch thu giấy phép vĩnh viễn”.

Liên quan đến các dự án treo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết có 536 dự án bị thu hồi, hủy bỏ chủ trương pháp lý không có nghĩa là nhà nước thu hồi đất vì đất này là đất của dân. Thu hồi ở đây là thu hồi chủ trương triển khai dự án để người dân có điều kiện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. “Khi nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất thì các quyền của người dân vẫn tiếp tục được thực thi nghiêm túc. UBND TP HCM đã chỉ đạo từ nay về sau, chủ tịch UBND 24 quận - huyện nếu không thực thi chủ trương này sẽ bị kỷ luật” - ông Tín cam kết.

Các ĐB HĐND TP HCM cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã và bảo vệ dân phố. Theo đó, đề xuất điều chỉnh phụ cấp đối với công an viên từ mức 1.992.000 đồng/người/tháng sang hưởng mức phụ cấp theo hệ số trình độ đạt được. Ngoài ra, hỗ trợ thêm đối với lực lượng công an viên 500.000 đồng/người/tháng. Đối với phó công an xã được nâng mức trợ cấp trách nhiệm từ 130.000 đồng/người/tháng lên 200.000 đồng/người/tháng…

Hà Nội: Lại vỡ đường ống nước sông Đà

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội vào chiều 10-7, trả lời câu hỏi của cử tri về nguyên nhân đường ống nước sông Đà sau 5 năm vận hành đã liên tục xảy ra sự cố, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị khảo sát đánh giá chất lượng thi công tuyến ống trên. “Hiện chưa có báo cáo chính thức nhưng theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân là do sử dụng ống chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về TP. Trách nhiệm trước hết thuộc về nhà thầu là Công ty Vinaconex” - ông Hùng khẳng định.

Về phần trách nhiệm của TP Hà Nội, ông Hùng thừa nhận trong quá trình thiết kế, thi công đường ống, TP Hà Nội chưa có sự phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm tra giám sát về thiết kế, thi công dự án. Đáng lưu ý, ngay trong phiên chất vấn ngày 10-7 của HĐND TP Hà Nội, đường ống nước sông Đà tiếp tục bị nứt vỡ lần thứ tám.

Sáng cùng ngày, các ĐB đã tái chất vấn Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội xung quanh vấn đề nợ xây dựng cơ bản được đặt ra từ kỳ họp trước. ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị UBND TP làm rõ nguồn trả nợ 4.000 tỉ đồng cho xây dựng cơ bản. ĐB Phạm Thị Thanh Mai đề nghị làm rõ biện pháp trả nợ khi một số huyện nợ xây dựng cơ bản quá lớn. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Văn Nam yêu cầu nêu rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm để xảy ra nợ xây dựng cơ bản.

Trả lời, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ngô Văn Quý cho biết hiện cơ quan chức năng đang thanh tra toàn diện nợ xây dựng cơ bản, trong đó có nợ ngoài kế hoạch. Năm 2014, TP đã bố trí gần 2.000 tỉ đồng trả nợ xây dựng cơ bản, đến nay đã xử lý được 59% khối lượng và sẽ xử lý dứt điểm trong 2 năm 2014-2015. Riêng đối với những dự án vốn nhỏ, TP đã bố trí được nguồn vốn.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Văn Nam cho rằng báo cáo trước đây chủ yếu là nợ tại quận - huyện song mới đây lại phát sinh TP nợ 1.140 tỉ, như vậy, rõ ràng việc chấp hành quy định trong đầu tư xây dựng có vấn đề. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cũng băn khoăn: “Tôi nhớ phiên chất vấn trước, TP nợ xây dựng cơ bản hơn 3.000 tỉ đồng, nay lại là hơn 4.000 tỉ đồng, vậy là phát sinh mới hay tập hợp không đầy đủ?”. Bà Thanh hỏi thẳng: “Lúc nào thì có kết luận thanh tra?”. Giám đốc Ngô Văn Quý cho biết đang rà soát, đến đầu tháng 8 sẽ có kết luận thanh tra và báo cáo HĐND vào kỳ họp cuối năm này.

Ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, thừa nhận ngành thuế vẫn còn nhũng nhiễu người dân. Từ năm 2011 đến nay, có 37 công chức trong ngành bị kỷ luật, buộc thôi việc 7 công chức, cách chức 1 công chức, khiển trách 23 công chức, cảnh cáo 4 công chức.

 

Mua xe tốt chỉ để… ngắm

Đó là ví von của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà về việc các lãnh đạo, cán bộ sở - ngành, quận - huyện không ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cải cách thủ tục hành chính chậm chuyển biến. “Dù TP đã cung cấp hộp thư điện tử cho tất cả các lãnh đạo sở - ngành, quận - huyện nhưng số người sử dụng dưới 40%. Nguyên nhân chính là lãnh đạo không quan tâm, không tự vận động. Giống như tôi trang bị cho anh một chiếc xe đẹp, sang trọng và tốt nhưng do anh không biết lái và cũng không chịu học lái nên cứ thế đi bộ đi làm” - ông Hà nói.

 

Cần Thơ: Đề xuất tăng viện phí 80%-100%

Ngày 10-7, bước sang ngày họp thứ hai, các ĐB HĐND TP Cần Thơ băn khoăn trước tờ trình đề xuất tăng mức thu một số dịch vụ khám chữa bệnh và dịch vụ kỹ thuật mới trong các cơ sở khám chữa bệnh công của UBND TP Cần Thơ. Theo đó, đề nghị tăng mức thu 43 dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh; trong đó có 26 dịch vụ đề xuất tăng 100%, 14 dịch vụ tăng 90%-99% và 3 dịch vụ tăng 80%-89% so với mức thu tối đa của Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế, Bộ

Tài chính.

Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP đang xây dựng và đấu thầu trang thiết bị từ Pháp, trị giá 600 tỉ đồng, toàn bộ kinh phí có được từ vốn vay; các bác sĩ cũng được đào tạo từ Pháp. Vì vậy cần phải tăng viện phí. Trước thông tin trên, tổ đại biểu huyện Phong Điền và quận Bình Thủy đề nghị tăng viện phí phải có lộ trình và tối đa 85% so với quy định.

C.Linh

Khánh Hòa: Nóng chuyện nước sạch

Ngày 10-7, tại kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, UBND tỉnh đã trả lời nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm, trong đó có nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến môi trường, y tế, đền bù giải tỏa các dự án… Theo đó, UBND tỉnh cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu nhiều nhà máy khắc phục ô nhiễm, như: Nhà máy Tách cọng thuốc lá Khatoco, Công ty Bia miền Trung, Công ty TNHH Quang Vinh (TP Nha Trang), Nhà máy Xay xát Trường Xuân (huyện Diên Khánh)…

Bên cạnh đó, cử tri của TP Nha Trang, huyện Khánh Vĩnh và Vạn Ninh cũng phản ánh việc phải mua nước với giá từ 30.000-100.000 đồng/m3 do thiếu nước sạch trầm trọng. UBND tỉnh cho biết sẽ yêu cầu các công ty cấp nước khẩn trương lên phương án đưa nước sạch đến người dân.

K.Nam

Quảng Nam: Giải thể các trung tâm dạy nghề

Đó là đề nghị của ông Nguyễn Dương Triều, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam, tại kỳ họp HĐND tỉnh này ngày 10-7. Lý do là hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề bộc lộ nhiều hạn chế, đối diện với nguy cơ ế ẩm.

Ngoài ra, cử tri nhiều địa phương ven biển đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn để đóng tàu mới vì hiện chi phí đóng mới tàu có công suất 400 CV trở lên từ 4-6 tỉ đồng, trong khi nhà nước chỉ cho vay 50%, phần còn lại dân không kham nổi.

Q.Vinh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo