Trước đó, NH này công bố quy định tuyển dụng nhân sự cho chi nhánh các tỉnh - thành, trong đó nêu rõ: Con đẻ, con dâu, rể và con nuôi hợp pháp của CB-NV đang làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc trụ sở chính khi thi tuyển vào Agribank sẽ được cộng 30 điểm (thang điểm 100).
Sở dĩ phải làm như vậy, theo lãnh đạo NH này, là do Agribank trả lương thấp nên số lao động bỏ việc ngày càng tăng…; trong điều kiện khó khăn hiện nay, cần có sự khuyến khích, động viên nhất định để người lao động yên tâm gắn bó với nghề, với ngành (!).
Lý giải của lãnh đạo Agribank không thật sự thuyết phục bởi trong 9 tháng đầu năm 2015 mới có gần 300 lao động của NH chuyển công tác hoặc bỏ việc, chưa “thấm tháp” gì so với lực lượng lao động khổng lồ 40.000 người của toàn hệ thống Agribank. Đến nay vẫn chưa tiến hành cổ phần hóa và bộ máy nhân sự hết sức dềnh dàng như thế, lẽ nào Agribank đang thực hiện tái cơ cấu mà lại không muốn hệ thống của mình tinh gọn hơn, hiệu quả hơn?
Và, trong tương quan với các ngành nghề khác, trước nay NH được xem là lĩnh vực cho thu nhập tốt, xin việc vào NH rất khó, nên ai đã được việc rồi thì khó mà bỏ. Vì vậy, nỗi lo “để người lao động yên tâm gắn bó với nghề, với ngành” của Agribank có vẻ bằng thừa!
Nhưng điều đáng nói hơn là sự phớt lờ các quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức hiện hành; đi ngược lại thông lệ chiêu mộ nhân sự của giới tài chính. Có cuộc so tài nào mà một nhóm thí sinh chưa cần thi đã nghiễm nhiên có 30% số điểm, còn gì là công bằng cho các thí sinh còn lại? Thí sinh thật sự muốn làm việc cho Agribank nhìn vào đó cũng chẳng màng nộp hồ sơ vì chẳng có cạnh tranh sòng phẳng, vì thực tài chưa hẳn là tiêu chí quan trọng hàng đầu để được chấm điểm cao, vậy thì tổ chức thi làm gì? Phải chăng đó chỉ là kiểu tuyển mộ hình thức của NH này, còn thực chất thì…!
Phương thức tuyển dụng thế nào sẽ cho ra nguồn nhân lực có chất lượng tương ứng. Hậu quả của nó nào chỉ ảnh hưởng tới Agribank mà còn tô đậm thêm vào mảng xám “con ông cháu cha” hoặc “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ” đang ngày càng đậm hơn trong xã hội, từ đó gây mất niềm tin lẫn nhau. Điều đó nếu không được ngăn chặn còn có thể tạo tiền lệ không tốt về sự coi thường pháp luật, xé rào trong tuyển dụng khi các doanh nghiệp cố tình phớt lờ Bộ Luật Lao động.
Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, sắp tới Việt Nam sẽ phải tuân thủ các cam kết về lao động, trong đó có các quy định về chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Cho nên, ngay từ bây giờ, phải làm quen và dần quên, quên hẳn những chiêu trò tuyển dụng thiếu lành mạnh, phân biệt đối xử và có dấu hiệu vi phạm pháp luật ấy đi!
Bình luận (0)