Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM ngày 14-6 tổ chức cuộc họp cùng nhiều đơn vị liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học nghe báo cáo rà soát tính khả thi, hiệu quả của dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 trên hành lang Tây - Đông (đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ). Một lần nữa tính hiệu quả của dự án này tiếp tục được ra tranh luận trong sự so sánh, rút kinh nghiệm trước những bất cập với tuyến BRT đang triển khai tại Hà Nội.
Nhất thiết phải có
Tại cuộc họp, PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH GTVT TP HCM, cho rằng việc triển khai dự án tuyến buýt BRT số 1 tại TP HCM là thực sự cần thiết bởi có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một bộ khung cho hệ thống giao thông công cộng của TP.
Buýt thường đã ì ạch, vậy liệu buýt nhanh ở TP HCM có hiệu quả và thực sự cần thiết hay không đang là vấn đề gây tranh cãi
Bà Hằng cũng cho rằng theo kinh nghiệm có được từ tuyến BRT tại Hà Nội, nếu TP HCM đưa vào hoạt động tuyến BRT số 1 thì nhất thiết phải hình thành một hệ thống xe buýt "gom", chở khách từ những khu vực xa trục đường của buýt BRT để tăng sự kết nối. Trong đó, khi thực hiện hệ thống xe buýt "gom", các đơn vị phải triển khai các phương án một cách hài hòa, bảo đảm an toàn và thuận tiện cho hành khách.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu - đường - cảng TP HCM, cũng cho rằng sự cần thiết của việc đưa vào hoạt động tuyến buýt BRT không cần bàn cãi nhưng vấn đề đặt ra là cần triển khai nhanh chóng do đã bàn tính quá nhiều. Theo ông Trường, TP đã tổ chức nhiều buổi tranh luận, trong đó có những ý kiến đồng tình và cũng có nhiều ý kiến phản biện. Tuy nhiên, để có thể thực hiện và thực hiện hiệu quả thì cần có biện pháp thuyết phục dư luận trên cơ sở khách quan để tạo sự đồng thuận. "Chúng ta nên mạnh dạn thực hiện chứ nếu cứ chờ đến lúc đạt được sản lượng như mong đợi thì không biết đến bao giờ mới có thể triển khai" - ông Trường nói.
Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP HCM (chủ đầu tư dự án), tại TP HCM chưa có một dự án giao thông công cộng nào lại được nhiều sự quan tâm như dự án xây dựng tuyến BRT số 1. Việc thực hiện dự án này là thực sự cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là phải có sự đồng thuận trong dư luận, không nên chỉ xem tuyến BRT số 1 là một tuyến mà phải nhìn nhận đây là bước khởi đầu của cả một hệ thống. Ông Phúc nhìn nhận thời gian đầu, sản lượng hành khách có thể ít, không được như kỳ vọng nên rất cần có sự đồng thuận từ cơ quan chức năng và cả người dân.
Không thể không xem lại
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Hiển (Trường ĐH GTVT TP HCM) lại cho rằng không nên lạc quan sớm nếu đưa tuyến buýt nhanh vào hoạt động. Nếu lấy bài học từ Hà Nội sẽ thấy hiệu quả kinh tế của buýt BRT mang lại rất ít. Do đó, nếu triển khai ở TP HCM, các đơn vị phải tính toán rất kỹ đến yếu tố này.
Ông Hiển cũng thắc mắc trong báo cáo nghiên cứu tính khả thi dự án BRT số 1, nhiều điểm không hợp lý. Cụ thể, chủ đầu tư đánh giá khi tuyến BRT đưa vào hoạt động, tốc độ trung bình sẽ cao hơn so với tốc độ của ô tô hiện hữu lưu thông ở trục đường trên. Vấn đề này, theo ông Hiển là rất khó diễn ra do tình hình ùn tắc giao thông đang ngày càng trở nên trầm trọng.
TS Nguyễn Xuân Long (Trường ĐH Bách khoa TP HCM) cũng cũng cho rằng cần nghiên cứu lại dự án này bởi trong báo cáo nghiên cứu khả thi còn nhiều bất cập. Đặc biệt, theo TS Long, ở nhiều nước trên thế giới đã triển khai buýt BRT và thất bại, nguyên nhân chính do bị các loại xe khác chiếm đường, thiếu sự kết nối, dẫn tới thời gian không chính xác. Vì vậy tại TP HCM, nếu không giải quyết được tình trạng trên thì tuyến BRT chắc chắn sẽ thất bại.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết đã đi thực tế để kiểm nghiệm tuyến buýt BRT triển khai tại Hà Nội và đã thấy nhiều vấn đề bất cập. Theo ông, để triển khai dự án này cần tiếp tục tính toán lại và cân nhắc thật kỹ, không thể mắc lại những bất cập đang tồn tại ở tuyến BRT tại Hà Nội. Để đưa vào hoạt động tuyến số 1, cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ khác, bao gồm việc phân tích tình hình giao thông trên lộ trình tuyến, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tính toán các mặt cắt ngang ở từng giao lộ...
"Lộ trình của tuyến BRT tại Hà Nội là hướng tâm nhưng tại TP HCM, nếu thực hiện sẽ là xuyên tâm, cắt ngang hàng loạt tuyến đường hướng tâm khác nên chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Vì vậy, chúng ta cần tính toán lại, đưa ra kịch bản cụ thể để chứng minh những tính toán đó là có cơ sở. Việc quan trọng là các đơn vị phải chứng minh được buýt BRT có đáp ứng được nhu cầu của hành khách trong giờ cao điểm hay những dịp lễ, Tết hay không" - ông Cường nói.
Có xứng đáng ?
Ông Bùi Xuân Cường chỉ đạo chủ đầu tư cần tổng hợp tất cả những góp ý trên gửi Sở GTVT để báo cáo và tham mưu cho UBND TP HCM.
Đặc biệt, theo ông Cường, kinh phí xây dựng tuyến BRT số 1 tại TP HCM vào gần 144 triệu USD là rất lớn. Vì vậy, các đơn vị liên quan phải chứng minh được việc đầu tư lớn và ưu tiên (đường riêng) như vậy cho xe buýt nhanh liệu có xứng đáng hay không.
Bình luận (0)