- Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, đến thời điểm này, chương trình tái cơ cấu Vinashin đã tạo ra sự chuyển biến gì?
- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Hiện đang tiến hành đàm phán để việc trả nợ được dãn ra; đồng thời thu gọn những bộ phận kinh doanh không hiệu quả, thu hồi vốn và từng bước đẩy mạnh sản xuất. Mặt khác, đã tiến hành thay đổi lãnh đạo cấp cao của tập đoàn và sẽ tiếp tục thay lãnh đạo cấp thấp. Mục tiêu của việc thay đổi nhân sự là nhằm tạo ra cách làm ăn, quản trị mới ở Vinashin. Dự kiến trong tháng này, chậm lắm là đầu tháng 11, sẽ có một Vinashin mới với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một ngành công nghiệp đóng tàu mạnh của VN.
- Vậy việc trả nợ sẽ do Vinashin tự lực hay Chính phủ hỗ trợ?
- Để trả nợ, Vinashin phải làm ăn có hiệu quả, phải có hợp đồng đóng tàu và bán được tàu. Mặt khác, phải cơ cấu lại tập đoàn; đồng thời thực hiện chuyển nhượng, bán bớt cổ phần. Sau khi cơ cấu lại nợ, tập đoàn có thể thực hiện những biện pháp tài chính chuyển nợ cũ thành nợ mới, nợ mới có thể dài hơn, dài hơn thì sẽ đủ sức trả. Đúng là thực hiện những biện pháp này có thể xuất hiện rủi ro, thiệt hại nhưng sẽ cố gắng hạn chế tối đa.
Để trả nợ, Vinashin phải có hợp đồng đóng tàu và bán được tàu. Ảnh: THẾ DŨNG
- Có khó khăn gì trong việc tái cơ cấu không?
- Khó khăn chính là sự mất cân đối của Vinashin rất nghiêm trọng nên phải giải quyết cùng lúc 3 việc. Thứ nhất: Ổn định sản xuất; thứ hai: Thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý; thứ ba: Nợ nần có cái đến hạn phải tính, phải đàm phán với chủ nợ - đây là vấn đề không đơn giản. Ba yếu tố này phải giải quyết một cách đồng thời, cụ thể là chỉnh đốn lại đội ngũ, sửa đổi lại quản trị, thay đổi mô hình hoạt động.
Bình luận (0)