Những ngày trung tuần tháng 11, vùng biển Khánh Hòa đón những đợt gió lạnh đầu mùa. Biển động, sóng cao nhưng anh Lê Đình Anh (SN 1984; ngụ thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn lên ghe ra khơi. Tuy vất vả nhưng với anh, điều này vẫn tốt gấp ngàn lần so với những ngày sống và làm việc ở tàu Hsieh Ta - Đài Loan.
Muốn về, xuống biển mà về!
Tại căn nhà cũ nát ở thôn Xuân Đông, bà Đặng Thị Nghiêm (58 tuổi, mẹ anh Anh) lúi húi lấy cỏ cho 2 con bò ăn. Những người con của bà đều đi làm thuê, làm mướn ở xa. Nghe chúng tôi hỏi việc đi làm thuyền viên ở nước ngoài, bà Nghiêm xua tay: “Một lần đủ rồi, không đi gì nữa hết”. Ông Lê Đình Muôn (60 tuổi, cha anh Anh) nói vọng ra: “Đi làm cho tàu nước ngoài, người ta xù luôn lương, ai dám đi nữa”.
Bà Nghiêm nhớ lại: “Khoảng tháng 8-2012, nghe lời một số người quen đi biển cho tàu nước ngoài lương cao nên thằng Anh cũng đăng ký. Gia đình vay mượn gần 60 triệu đồng, đóng cho người ta hơn 35 triệu đồng, số còn lại làm lộ phí ra Hà Nội, chờ ngày xuất cảnh. Đổi đời đâu không thấy mà suýt nữa mất con”.
Theo gia đình, vào thời gian đó, một công ty xuất khẩu lao động ở TP Hà Nội đăng thông tin tuyển thuyền viên làm việc cho tàu cá nước ngoài. Anh Lê Đình Anh nộp hồ sơ và trúng tuyển với mức lương cam kết 400 USD/tháng, trong đó gia đình nhận 350 USD, 50 USD nhận trên tàu, ăn uống chủ tàu lo liệu. Đến ngày 20-12-2012, anh cùng một số ngư dân bay sang Hồng Kông, sau đó một ngày, họ được đưa lên tàu Hsieh Ta. Trên tàu có thuyền trưởng thường gọi tên là Ta-Cơ, máy trưởng là Ta-Sơ người Đài Loan, 2 cai người Trung Quốc là Ta-Phu, Ơ-Phu. Trong số 22 thuyền viên có 10 người Việt, 7 người Indonesia, 3 người Philippines và 2 người Myanmar. Anh Anh được giao nhiệm vụ câu cá ngừ đại dương. Khoảng 18 ngày đầu, mọi việc đều bình thường nhưng khi đến vùng câu, các thuyền viên thường xuyên bị đánh đập, ngược đãi.
Anh Lê Đình Anh (ảnh trên) chỉ những vết thương khi làm việc ở tàu nước ngoài và bà Đặng Thị Nghiêm, mẹ anh Anh (ảnh dưới) cắt cỏ nuôi bò phụ con trai đi biển
Với anh Anh, đó là những tháng ngày không thể nào quên. “Cuộc sống gia đình lúc nào cũng chật vật nhưng vẫn tốt hơn lúc làm cho tàu cá Đài Loan” - anh Anh bộc bạch. Theo anh Anh, khi làm việc trên tàu Hsieh Ta, do bất đồng ngôn ngữ, không quen với công việc mới nên nhiều lúc thuyền viên làm không đúng thao tác kỹ thuật. Những lúc đó, các anh thường bị thuyền trưởng, máy trưởng và cai tàu hành hung. Bị đánh nhiều nhất là anh Lê Thanh Thành (quê Quảng Bình) và anh Hoàng Văn Hậu (quê Quỳ Châu, Nghệ An), làm máy phụ. “Thằng Thành bị ông máy trưởng đánh đập suốt. Đụng gì đánh đó, đang cầm mỏ lết, cờ lê ổng cũng phang luôn. Nhiều lúc mệt quá ngủ gục, Thành bị túm tóc đập túi bụi vào thành tàu làm rách da đầu, hộc máu mồm, máu mũi. Anh em phải quỳ lạy, người ta mới chịu tha. Chịu không nổi, Thành xin lên boong làm thợ câu. Sau đó đến phiên Hậu xuống làm thay cũng bị đánh đập rồi xin lên boong. Hậu lên thì đến lượt một thuyền viên Indonesia chịu trận thay” - anh Anh kể lại.
Không những bị đánh đập, các thuyền viên phải làm việc quần quật 18 giờ mỗi ngày. “Sau 3 tháng sống trên tàu, 10 thuyền viên Việt Nam chịu không nổi nên tập trung trên boong xin nghỉ việc. Thế là cả nhóm bị cai trưởng Ta-Phu dùng tấm ván phang, còn cai Ơ-Phu dùng gậy thúc vào bụng. Sau đó, họ túm tóc anh Hậu bảo thích về thì xuống biển mà về” - anh Anh chua xót nói.
Liều mạng nhảy tàu
Nhớ lại ký ức hãi hùng, anh Anh cho biết thuyền viên người Indonesia, Philippines đều bị đánh đập. Các thuyền viên Việt Nam không chịu được cưỡng bức, bàn với nhau nhảy xuống biển trốn khỏi tàu.
Khoảng đầu tháng 8-2013, tàu Hsieh Ta được lệnh kéo tàu Lieu Hoa vào cảng Papeete trên đảo Tahiti, phía Nam Thái Bình Dương, để sửa chữa. Các thuyền viên Việt Nam bàn nhau tìm cơ hội trốn. Anh Anh nhớ lại thời khắc trốn tàu: “Ngày 8-8, lúc tàu Hsieh Ta chuẩn bị ra khơi, 10 thuyền viên Việt Nam bàn nhau nhảy tàu nhưng chỉ có 6 người liều mạng nhảy xuống. Anh em mang theo 1 cái phao, 1 bì bóng đựng đồ chung, hướng vào bờ mà bơi. Nhưng 2 người bơi không nổi, đuối sức đành quay lại tàu”.
Sau khi bơi được khoảng 2 giờ, anh Anh cùng các anh Hậu, Nguyễn Văn Hùng (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Trần Văn Dũng (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) được 1 tàu cảnh sát vớt lên. Một Việt kiều Pháp là giảng viên đại học đã nhiệt tình giúp đỡ, làm phiên dịch. Cảnh sát Tahiti cũng đuổi theo tàu Hsieh Ta để lấy lại hộ chiếu của 4 thuyền viên. Ngày 12-8, họ được hồi hương.
Nhiều người xem việc làm thuyền viên là cơ hội để bỏ trốn ở nước ngoài, nhất là khi tàu cập cảng các nước Nhật, Hàn Quốc… nhưng đa phần các vụ nhảy tàu xuất phát từ sự cưỡng bức lao động mà điển hình là vụ tàu Hsieh Ta. Hơn 3 năm sau vụ nhảy tàu này, cuộc sống của các gia đình ngư dân vẫn chẳng khá lên. Vì mang tội nhảy tàu, phá vỡ hợp đồng, những tháng lương mà chủ tàu còn nợ thuyền viên cũng không trả cho các gia đình.
“Vì muốn nghề nghiệp mở mang, cuộc sống tốt hơn nên chúng tôi mới chọn đi tàu xa xứ. Chúng tôi không được bảo vệ và trả cái giá quá đắt cho ước muốn đổi đời” - anh Anh chia sẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-11
Kỳ tới: Bảo vệ thuyền viên, cách nào?
Bị nước ngoài bắt giữ vì vi phạm lãnh hải
UBND xã Vạn Hưng cho biết rất nhiều người dân trong xã đi làm thuyền viên tàu cá trong nước và nước ngoài. Đa số người dân tự móc nối với người quen, người này giới thiệu người kia để đi chứ không thông báo cho địa phương. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, có gần 20 ngư dân của xã bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm lãnh hải. Trong đó, 8 người vẫn còn ở nước ngoài, chưa được trao trả.
Bình luận (0)