Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, ngày 5-6, Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả môi trường trong vụ cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Tân Hùng Thái - KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (Công ty Tân Hùng Thái).
Xử lý tại chỗ
Sau khi xảy ra sự cố cháy vào đêm 16-4, các cơ quan chức năng đã xử lý tình thế bằng cách đắp đê đất 2 đầu với chiều dài khoảng 600 m để ngăn không cho hóa chất lan ra toàn tuyến kênh 6. Tuy nhiên, hiện TP đang có nhiều trận mưa lớn, đoạn kênh này đứng trước nguy cơ vỡ rất cao.
Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết kết quả lấy mẫu mới nhất cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm trong nguồn nước kênh 6 có dấu hiệu cải thiện. Vì thế, có thể dùng phương án xử lý tại chỗ đối với nước kênh nhiễm hóa chất bằng cách bơm nước về trạm của KCN Lê Minh Xuân để xử lý. Trường hợp KCN Lê Minh Xuân không đồng ý, Sở TN-MT sẽ mời đơn vị khác. Riêng bùn lắng có nhiều kim loại nặng, sẽ thành lập hội đồng khoa học để lên phương án xử lý riêng. Toàn bộ chi phí xử lý sẽ do Công ty Tân Hùng Thái chi trả.
Ông Nguyễn Liên Trường, quyền Giám đốc KCN Lê Minh Xuân, cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xử lý nước ô nhiễm nhưng trước mắt, các cơ quan chức năng nên đánh giá lại chất lượng nước kênh 6 để xem xét có phù hợp với khả năng tiếp nhận và xử lý của KCN hay không. Bên cạnh đó, KCN chỉ chấp nhận xử lý khi phương án xử lý được chính cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Trạm xử lý nước thải của KCN Lê Minh Xuân có công suất 6.000 m3/ngày đêm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Lý, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỏ ra lo ngại khi chính KCN Lê Minh Xuân cũng chưa được cấp phép xả thải vào nguồn nước, nếu đưa nước nhiễm độc vào xử lý chung với các nguồn nước thải trong KCN rồi xả ra môi trường thì không ổn. Các cơ quan chức năng cũng cần giám sát quá trình xử lý của KCN Lê Minh Xuân…
TP HCM ra tối hậu thư
Trong suốt buổi làm việc, đại diện Công ty Tân Hùng Thái liên tục than khó. Ông Đỗ Văn Phước, Phó Giám đốc Công ty Tân Hùng Thái, cho rằng DN đã rất nỗ lực khắc phục hậu quả, bằng chứng là đến nay đã thu gom, xử lý được 70% lượng chất thải tồn trong kho.
“Từ sau vụ cháy, sản xuất bị đình trệ, tài chính gặp khó khăn. Chúng tôi kiến nghị nhà nước xem xét có thể giúp đỡ DN. Hiện nay, anh Thái (Lê Hùng Thái, Giám đốc Công ty Tân Hùng Thái - PV) đã đi Thái Lan, chắc chưa về kịp. Tôi chỉ có nhiệm vụ kêu gọi các cơ quan chức năng hỗ trợ công ty chứ không trả lời được là công ty có tiền và làm được hay không” - ông Phước phân bua.
Ông Cao Tung Sơn khẳng định Công ty Tân Hùng Thái từng có văn bản xin UBND TP xem xét hỗ trợ chi phí xử lý vì tài chính khó khăn. Tuy nhiên, TP vẫn chỉ đạo: Nếu công ty không chi trả chi phí xử lý môi trường, TP sẽ ứng ngân sách chi trả việc xử lý; song song đó giao Sở TN-MT, HEPZA và UBND huyện Bình Chánh khởi kiện Công ty Tân Hùng Thái ra tòa.
Vì thế, nếu trước 11 giờ 30 phút ngày 6-6, Công ty Tân Hùng Thái không có văn bản chính thức gửi Sở TN-MT về khả năng tài chính để xử lý ô nhiễm, sở sẽ kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính ghi vốn xử lý và tiến hành các thủ tục khởi kiện.
Chỉ tiêu chất ô nhiễm vượt đến 50%
Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 16-4, một đám cháy kèm những tiếng nổ lớn đã xảy ra tại kho hóa chất của Công ty Tân Hùng Thái. Đến rạng sáng hôm sau, đám cháy mới được khống chế. Khoảng 500 tấn hóa chất của công ty này đã chảy xuống kênh 6. Chỉ tiêu các chất ô nhiễm vượt đến 50% so với bình thường, ước tính lưu lượng nước nhiễm độc khoảng 10.000 m3.
Bình luận (0)